Nỗi buồn rời HOSE năm 2024 của nhiều ông lớn một thời

Nỗi buồn rời HOSE năm 2024 của nhiều ông lớn một thời
3 ngày trướcBài gốc
Cận kề cuối năm, ngày 30/12/2024, HOSE thông báo về việc hơn 33 triệu cổ phiếu GMC của CTCP Garmex Sài Gòn sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc vào ngày 24/01/2025. Ngày giao dịch cuối cùng của GMC là 23/01/2025. Đây là doanh nghiệp cuối cùng mà HOSE ra “phán quyết” buộc rời sàn trong năm 2024.
Nguyên nhân là do Garmex Sài Gòn bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
CTCP Sản xuất Thương mại May Saigon (Garmex Saigon) được thành lập vào năm 1976 với khởi đầu là một doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2004, Garmex Saigon được cổ phần hóa. Đến năm 2006, doanh nghiệp niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán là GMC. Năm 2019, doanh nghiệp chính thức đổi tên thành CTCP Garmex Sài Gòn như hiện tại.
Trong quá khứ, Garmer Sài Gòn là một thương hiệu may mặc nổi tiếng với kết quả kinh doanh tích cực khi luôn mang về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu và trên 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (riêng giai đoạn 2018 – 2019, đạt hơn 100 tỷ đồng). Kể cả trong thời gian dịch bệnh phức tạp năm 2021 – 2022, lợi nhuận sau thuế của GMC vẫn đạt trên 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty đã bị tạm ngưng sản xuất kinh doanh chính từ tháng 05/2023 đến thời điểm phát hành BCTC soát xét bán niên 2024, không phát sinh doanh thu, chi phí sản xuất đơn hàng; mà chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể cho nhân viên bộ phận trực tiếp và gián tiếp được giữ lại, chi phí duy trì, bảo dưỡng tài sản cố định và hàng tồn kho.
Không chỉ Garmex Sài Gòn, trong năm 2024, thị trường đã chứng kiến nhiều tên tuổi lớn một thời phải hủy niêm yết trên sàn HOSE.
Vào tháng 05/2024, gần 279,7 triệu cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina bị HOSE hủy niêm yết do Công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, Thép Pomina là thương hiệu nổi tiếng và là một trong những nhà máy sản xuất thép xây dựng lớn nhất cả nước, thương hiệu này cũng từng đứng vị trí số 1 trên thị trường thép xây dựng phía Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 2009 – 2010, sản lượng Thép Pomina chiếm đến 29,37% sản lượng thép cả nước. Trong hơn hai thập kỷ qua, tình hình kinh doanh của Pomina cũng ghi nhận những giai đoạn phát triển rực rỡ như 2008 – 2011, 2016 - 2018. Đặc biệt, năm 2017, Pomina đem về số lãi kỷ lục 696 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, Pomina có bước đi sai lầm khi bắt đầu phát triển dự án lò cao vào đúng dịch Covid-19. Do không đưa được chuyên gia từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp máy, xây dựng, tất cả chi phí của Pomina tăng lên rất lớn, tỷ lệ nợ vay vượt quá 50% vốn chủ sở hữu. Ngay trong năm 2019, Pomina báo lỗ 309 tỷ đồng và tình hình ngày càng xấu đi vào năm 2022 và 2023 với mức lỗ lần lượt 1.078 tỷ đồng và 957 tỷ đồng. Kinh doanh sa sút kéo dài đến năm 2024, lỗ lũy kế đến cuối quý III/2024 là hơn 2.356 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cũng nhiều lần nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục trong các báo cáo tài chính của Pomina.
Bên cạnh đó, ở lĩnh vực vật liệu xây dựng phía Bắc, CTCP Nhựa Đông Á (mã DAG) cũng là thương hiệu lớn đã "chia tay" sàn HOSE.
Nhựa Đông Á là doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu ngành xây dựng, trang trí nội ngoại thất và quảng cáo cùng kinh doanh thương mại nhiều mặt hàng khác nhau. Trong giai đoạn 2016 - 2019, lãi ròng của DAG luôn ở mức cao và vượt ngưỡng 50 tỷ đồng/năm, đây cũng là giai đoạn kinh doanh rực rỡ nhất của DAG kể từ năm niêm yết (2010). Bước ngoặt đảo chiều xuất hiện từ năm 2020, lãi ròng của DAG trong các năm này không vượt quá 10 tỷ đồng/năm. Đến năm 2023, DAG bất ngờ báo lỗ nặng 606,7 tỷ đồng, và lỗ thêm 235,8 tỷ đồng 9 tháng 2024, nâng lỗ lũy kế lên 778,8 tỷ đồng.
Hiện tại, Nhựa Đông Á đang tiến hành tái cơ cấu toàn diện hoạt động của Công ty, sắp xếp lại nhân sự, tiết giảm các chi phí và cấu trúc lại các khoản đầu tư tài chính nhằm sớm ổn định tình hình hoạt động của Công ty.
Cùng với hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đến ngày 22/10/2024, hơn 60,3 triệu cổ phiếu DAG bị hủy niêm yết trên HOSE do Công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc. Hiện cổ phiếu đã chuyển sang UPCoM nhưng bị đình chỉ giao dịch.
Cổ phiếu HBC của ông lớn ngành xây dựng CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng buộc phải rời HOSE kể từ ngày 06/09/2024 bởi Công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp căn cứ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023.
Dù Hòa Bình từng gửi công văn phúc đáp HOSE và khẳng định không đồng ý với các căn cứ HOSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC, nhưng đã không được chấp thuận. Hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC đã trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/09/2024.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hoạt động trong lĩnh vực nhà thầu xây dựng với hàng loạt công trình lớn nhỏ trên cả nước như: Saigon Centre, German House, Celadon City, Empire City, Midori Park The View, Khu đô thị Ecopark... Năm 2006, doanh nghiệp được đại chúng hóa và cổ phiếu HBC được niêm yết trên sàn HOSE.
Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 4.787,12 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 842,34 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 883,57 tỷ đồng, chủ yếu do được hoàn nhập dự phòng và thu nhập khác từ thanh lý máy móc thiết bị. Lỗ lũy kế đến cuối quý III/2024 còn hơn 2.424 tỷ đồng.
Ngoài 4 doanh nghiệp kể trên, trong năm 2024, HOSE đã hủy niêm yết bắt buộc đối với: HNG (CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), TNA (CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam), TTB (CTCP Tập đoàn Tiến Bộ), QBS (CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình)...
Thay cho những cổ phiếu buộc rời sàn, HOSE vẫn đón nhận thêm nhiều tân binh mới, bổ sung lượng hàng mới cho thị trường trong 2024 như: DSE, VTP, HNA, QNP, NAB, và một vài mã khác. Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết trong năm vẫn là điều đáng tiếc, nhất là với nhiều thương hiệu nổi tiếng đã gắn với thị trường trong thời gian dài.
Kiều Trang
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/noi-buon-roi-hose-nam-2024-cua-nhieu-ong-lon-mot-thoi-post360976.html