Nơi chia sẻ những tác phẩm tâm huyết và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp

Nơi chia sẻ những tác phẩm tâm huyết và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp
4 giờ trướcBài gốc
Nhóm tác giả chụp ảnh cùng lớp học lúc tác nghiệp ký sự.
Đó là chia sẻ của nhóm tác giả của Ký sự truyền hình “Hạt mầm tri thức” - Đài PTTH Vĩnh Long.
Nhóm tác giả của Ký sự gồm: Nguyễn Hảo Anh Thư, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Trần Minh Khải, Châu Ngọc Quí, Bùi Tấn Vủ.
Những câu chuyện từ cuộc sống là chất liệu làm nên ký sự
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, tác giả Nguyễn Thị Cẩm Nhung cho biết: Với phương châm “Ở đâu có khán giả, ở đó có THVL”, qua hơn 10 năm công tác tại Đài PT và TH tỉnh Vĩnh Long, bản thân tôi có nhiều chuyến công tác thực hiện các đề tài ký sự, phóng sự ở nhiều vùng đất, nhiều địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy vùng ĐBSCL quê mình luôn là nguồn đề tài tạo nên nhiều cảm xúc nhất. Bởi đây là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị và quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, Giáo dục nơi đây còn nhiều khó khăn thách thức, tỷ lệ lao động qua đào tạo tuy có nhiều cải thiện nhưng thấp hơn các vùng kinh tế khác và thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước.
Cảnh tác nghiệp của phóng viên
Để giáo dục và đào tạo miền Tây Nam Bộ vươn mình, cần sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân cùng chung tay ươm những hạt mầm tri thức trên đất chín rồng. Đó cũng chính là ý tưởng và nội dung chủ đạo nhóm phóng viên chúng tôi tập trung khai thác xuyên suốt trong loạt ký sự Hạt mầm tri thức.
Những câu chuyện từ cuộc sống chân thực là chất liệu làm nên ký sự. Đó là những người thầy giáo bất đắc dĩ mang quân hàm xanh, đồng cảm trước những hoàn cảnh đặc biệt của các em nhỏ lớn lên trên những vùng biên giới, điều kiện kinh tế gia đình không ổn định, sự cách trở về khoảng cách địa lý đã khiến con đường đi tìm con chữ của các em cũng trở nên xa vời.
Đó là phút chạnh lòng của những người thầy cô giáo đã nghỉ hưu nhưng khi thấy nhiều người độ tuổi 60 vẫn không thể tự viết tên mình, những em nhỏ bỏ học giữa chừng sớm bước vào đời bươn chải mưu sinh để phụ giúp gia đình.
Những lớp học đặc biệt với những thầy giáo đặc biệt đó đều có chung mẫu số: tấm lòng của người thầy quyết đưa con chữ cho người học, dù trẻ hay già, để ai cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán.
Chỉ có tri thức mới là chiếc chìa khóa hữu hiệu giúp các em mở cánh cửa ra tương lai tươi sáng hơn cho các em. Hành trình gieo mầm trí thức ở những lớp học đặc biệt đó đã truyền lửa, chắp thêm nghị lực cho các em học sinh vùng biên giới hải đảo khó khăn vượt lên chính mình, vươn tới những ước mơ cơ bản là được học hành, có tri thức, trở thành công dân có ích cho xã hội, như lời tâm nguyện của chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Những hình ảnh tác nghiệp loạt ký sự.
Là một phóng viên, chúng tôi thấy có trách nhiệm cùng ngành giáo dục và các địa phương chung tay đưa Giáo dục ĐBSCL ngày càng phát triển, để những hạt mầm tri thức được ươm trên vùng đất chín rồng sẽ trở thành những công dân có ích, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là nơi chúng tôi gửi gắm những tác phẩm của mình, bởi ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp qua từng năm, được nhiều nhà báo, cơ quan báo chí quan tâm tham gia gửi tác phẩm. Bên cạnh đó, giải báo chí còn là nơi để những người làm báo có dịp thử sức mình và học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp khắp các vùng miền trong cả nước.
Có thêm động lực, “lửa nghề”
Còn tác giả Nguyễn Hảo Anh Thư chia sẻ rằng: Ở một số địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, phần lớn bà con nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy rất khao khát sự học nhưng do hoàn cảnh mưu sinh kiếm sống nên vẫn còn nhiều người lớn tuổi chưa biết chữ, trẻ em bỏ học giữa chừng.
Dù vậy, cũng xuất hiện nhiều điểm sáng, đó là những tấm gương thầy cô giáo không chuyên hết lòng vì sự học; một số em có sự nỗ lực vượt qua khó khăn để bước vào giảng đường đại học; có nhiều lưu học sinh chọn các trường đại học trong khu vực ĐBSCL làm địa chỉ ươm hạt mầm tri thức.
"Từ thực tiễn đó, tôi đề xuất lãnh đạo Đài thực hiện một loạt ký sự truyền hình về Giáo dục ở ĐBSCL, trước tiên là để phát trên các kênh sóng của Đài, sau là dự Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam lần thứ VII năm 2024".
Về nội dung từng tập, chúng tôi quyết định chọn những tấm gương hiếu học, những người có đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài ở ĐBSCL để triển khai thực hiện, trong đó có tập cuối nói về việc liên kết đào tạo cho sinh viên quốc tế tại một số trường đại học trong ĐBSCL.
Đây là điều hết sức mới mẻ vì từ một nơi từng được xem là “vùng trũng” về giáo dục, đến nay nhiều trường đại học ĐBSCL là điểm đến của sinh viên quốc tế nhờ những lợi thế đặc thù so với các thành phố lớn.
Tác giả Nguyễn Hảo Anh Thư
Về Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam lần thứ VII năm 2024, đây là năm đầu tiên tôi và nhóm tác giả tham gia. Bản thân nhận thấy đây là một cuộc thi có tính thiết thực, có ý nghĩa và tác động lớn đến xã hội. Về mảng Giáo dục, hầu như cơ quan báo, Đài nào cũng khai thác để đưa vào các tác phẩm báo chí, là một trong những thuận lợi trong việc lựa chọn tác phẩm để tham gia cuộc thi.
Thông qua cuộc thi, các phóng viên cũng được tiếp thêm động lực, “lửa nghề” để ngày càng hoàn thiện mình, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Giáo dục nước nhà.
Những nhân vật trong loạt Ký sự truyền hình “Hạt mầm tri thức” của THVL mang lại hiệu ứng tốt sau khi phát trên sóng truyền hình và các nền tảng khác. Riêng bản thân tôi, qua từng nhân vật dấy lên niềm tự hào và là động lực to lớn cho chính mình để ngày càng phấn đấu phát triển bản thân.
Niềm tự hào ở đây chính là dù trong khó khăn, vất vả nhưng người dân ĐBSCL quê tôi luôn khao khát, theo đuổi sự học, để bây giờ họ đã có được những thành tựu và có đóng góp cho quê hương. Họ đã tiếp thêm động lực để tôi ngày càng phấn đấu, nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để phát triển bản thân, đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của toàn xã hội.
Quốc Ngữ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/noi-chia-se-nhung-tac-pham-tam-huyet-va-hoc-hoi-kinh-nghiem-tu-dong-nghiep-post708704.html