Tuyến đường giao thông tại huyện Phù Ninh qua địa bàn xã Hạ Giáp được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi, kết nối giao thông vùng.
Nhà nước và Nhân dân cùng làm
Khi mùa Xuân mới đang dần hiện hữu, chúng tôi về xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, đi trên con đường mới được đầu tư nâng cấp, mở rộng từ khu 4 xã Thọ Văn đi xã Dị Nậu với độ dài 2.450m, nghe người dân phấn khởi kể cho chúng tôi về việc chung tay cùng chính quyền đóng góp sức người, sức của, hiến đất để mở rộng, nối dài những tuyến đường giao thông, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. Nhịp sống mới đang về với mỗi gia đình, mỗi người dân nơi đây.
Tiên phong, gương mẫu trong phong trào hiến đất làm đường, ông Tạ Công Chiển - người dân trong khu chia sẻ: "Trước đây, con đường này là đường đất, rất nhỏ hẹp, đi lại vất vả nên tôi cũng như bao người dân trong xã đều mong muốn được đầu tư xây dựng con đường mới. Tôi đã động viên vợ, con hiến trên 1.000m2 đất ruộng để làm đường GTNT, nhiều hộ dân cũng đồng thuận hiến đất, góp phần mở rộng tuyến đường, thuận tiện cho các phương tiện đi lại. Khi đường được nâng cấp, mở rộng giúp đời sống bà con của 2 xã Thọ Văn, Dị Nậu ngày càng đi lên".
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, với quan điểm gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, đặc biệt việc huy động nguồn lực từ Nhân dân để đầu tư xây dựng các tuyến đường GTNT, công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoàn thành nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn".
Không chỉ ở Tam Nông, huyện miền núi Thanh Sơn hiện có trên 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Khó khăn về giao thông như một “nút thắt” trong sự phát triển của huyện cũng như đời sống của người dân nơi đây. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu khi thực hiện các chính sách đầu tư là tập trung nguồn lực cho hệ thống hạ tầng thiết yếu, trọng tâm là hạ tầng GTNT. Từ năm 2021 đến nay, Thanh Sơn đã huy động hơn 318 tỷ đồng phát triển GTNT. Đáng chú ý, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Nhân dân đã đóng góp hơn 13 tỷ đồng và huy động xã hội hóa hơn 60 tỷ đồng làm đường bê tông. Đến nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ đường GTNT cứng hóa đạt 78%.
Nhờ sự tích cực của các huyện, thành, thị đã góp phần tạo mạng lưới GTNT đồng bộ. Các tuyến đường GTNT được đầu tư theo mô hình Nhà nước và Nhân dân cùng làm cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, phát huy được vai trò giám sát cộng đồng, người dân thực sự làm chủ. Đến nay, tỷ lệ đường GTNT được kiên cố hóa ước đạt 82,5%, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên toàn tỉnh.
Từ sự đồng lòng của người dân, các tuyến đường GTNT ở khu 4, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông ngày càng phát triển.
Góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM
Xác định tiêu chí số 2 về giao thông trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM là tiêu chí khó thực hiện, thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó công tác phát triển GTNT được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đưa vào Nghị quyết chỉ đạo thực hiện “Đến năm 2025, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đạt 45% trở lên (6 đơn vị cấp huyện), 65% số xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng cao đạt 20% trở lên (26 xã).
Là huyện thứ 2 của tỉnh đạt chuẩn NTM, hiện tỷ lệ cứng hóa đường GTNT của huyện Thanh Thủy đạt 93,28%. Ông Lê Trọng Đức - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện thông tin: "Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, công tác phát triển GTNT trên địa bàn huyện đã đạt kết quả khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, nhiều công trình GTNT được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường GTNT, góp phần thay đổi diện mạo NTM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương".
Cải tạo, nâng cấp đường GTNT tại xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy.
Có thể thấy rằng, việc phát triển GTNT gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách, có phương thức huy động nguồn lực phù hợp để hỗ trợ cho chương trình, đáp ứng các tiêu chí NTM theo quy định. Toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ước tính hết năm 2024, toàn tỉnh có 141/196 xã đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1.700 khu dân cư đạt chuẩn NTM, 165 khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, đến nay, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp các quy hoạch Quốc gia về lĩnh vực GTVT đồng thời định hướng phát triển mạng lưới giao thông của địa phương kết nối với hệ thống giao thông Quốc gia. Theo đó, việc phát triển hệ thống đường GTNT sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu để phát triển hạ tầng giao thông gắn với tiêu chí xây dựng NTM. Đến năm 2030, tỷ lệ đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh được kiên cố hóa tối thiểu đạt 90%. Định hướng đến năm 2050, 100% đường GTVT được kiên cố hóa, đường huyện, liên xã cơ bản đạt tối thiểu cấp IV, đường xã cơ bản đạt tối thiểu cấp V, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn.
Những con đường của “ý Đảng - lòng dân” đã góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội quê hương Đất Tổ Vua Hùng ngày càng phát triển, trở thành “sợi dây” liên kết, củng cố vững chắc mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền.
Thanh Nga