Nỗi đau sau tội ác

Nỗi đau sau tội ác
10 giờ trướcBài gốc
Bị cáo Đặng Văn Toàn tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm
Chiều 30-6, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên án tử hình đối với Đặng Văn Toàn (31 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa (cũ), nay là phường Trấn Biên), về tội giết người. Bị cáo còn bị phạt thêm 5 năm tù về tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hình phạt là tử hình.
Tiếng súng nổ, đổ cả tương lai
Trưa 30-6, dưới cơn mưa, bà H. cùng con dâu đứng phía trước cổng TAND tỉnh từ rất sớm để chờ đúng giờ vào tham dự phiên tòa. Trên tay bà là di ảnh con trai - bị hại trong vụ án. Vừa vào đến phòng xử án, khi nhìn thấy bị cáo, bà đã khóc vì căm phẫn bị cáo và thương con trai xấu số của mình.
Trước vành khai, bị cáo Toàn cúi đầu lặng thinh, không dám nhìn ai. Bị cáo với khuôn mặt căng thẳng khi nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đọc bản cáo trạng.
Theo đó, vào ngày 30-8-2024, Đặng Văn Toàn trong lúc làm việc tại chợ Hóa An (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa (cũ), nay là phường Biên Hòa) đã xảy ra mâu thuẫn, cự cãi với anh Nguyễn Đại Dương (39 tuổi, ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc (cũ), nay là xã Xuân Định); anh Mai Văn Ẩn (38 tuổi, ngụ phường Hóa An cũ) và chị Đỗ Thị Tý (42 tuổi, vợ anh Ân). Vì tức giận nên Toàn nảy sinh ý định đánh anh Dương, anh Ẩn và chị Tý để trả thù.
Đến 1h30 ngày 30-8-2024, Toàn điều khiển xe máy về nhà ở phường Bửu Long (nay là phường Trấn Biên) lấy khẩu súng ngắn và lắp 5 viên đạn vào ổ quay. Khẩu súng này Toàn khai mua trên mạng xã hội vào năm 2023.
Sau khi lắp đạn vào khẩu súng, Toàn điều khiển xe máy đến chợ Hóa An tìm anh Dương, anh Ẩn và chị Tý. Khi đến nơi, thấy anh Dương, anh Ẩn, chị Tý đang ngồi uống cà phê, Toàn rút súng ra bắn anh Dương 1 phát (nhưng không trúng), bắn 2 phát vào lưng và đầu anh Ẩn, bắn 2 phát vào người chị Tý. Anh Dương bỏ chạy, Toàn đuổi theo bắn anh này nhưng súng hết đạn nên Toàn điều khiển xe bỏ trốn. Chiều 30-8-2024, Toàn bị Công an tỉnh bắt giữ.
Hội đồng Xét xử nhận định, bị cáo là người trưởng thành, có học vấn nhất định nhưng lại gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, vừa trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự của Nhà nước, vừa xâm phạm đến tính mạng của các bị hại. Xét bị cáo không thể giáo dục, cải tạo nên cần loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Nỗi đau người ở lại
Ngồi hàng ghế đầu là chị Tý, nạn nhân sống sót và cũng là vợ của anh Ẩn. Gương mặt chị hốc hác, ánh nhìn sắc lạnh dõi theo từng lời khai của bị cáo Toàn. Khi vén áo, chị để lộ vết mổ dài, chằng chịt những mũi khâu dọc ngang nơi bụng - dấu tích của lần thoát chết sau vụ nổ súng. Theo chị Tý, vì sức khỏe của chị không tốt nên lúc xảy ra vụ việc, bác sĩ đã xử lý vết thương và khâu lại để giữ mạng sống cho chị trước, còn viên đạn nằm sâu trong người thì phải đợi một cuộc phẫu thuật khác để lấy ra.
Chị Tý cho biết, từ ngày chồng là trụ cột trong gia đình mất, chị bị thương nặng, cuộc sống gia đình như rơi vào vực thẳm. Chị bị đau cả thể xác lẫn tinh thần nhưng vẫn phải cố gượng dậy để đi làm thuê những việc nhẹ nhàng kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.
“Giả sử như tôi chết thì các con tôi sẽ biết đi về đâu khi không có ai nuôi dưỡng. Mẹ chồng tôi cũng quá già và cần phải có người chăm sóc. Bản thân tôi tuy thoát chết nhưng cũng không còn khỏe mạnh như trước, chẳng thể làm được nhiều việc để lo cho gia đình như khi chồng tôi còn sống” - chị Tý nói trong nước mắt.
Tiếp lời con dâu, mẹ bị hại đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên mức án thật nghiêm đối với bị cáo, xứng đáng với hành vi côn đồ mà bị cáo đã gây ra. Mẹ bị hại đề nghị mức án tử hình, vì bà cho rằng hành vi của bị cáo là rất độc ác, không chỉ máu lạnh bắn chết con bà, mà còn muốn giết chết cả con dâu của bà.
Phía sau bị hại là người vợ trẻ của bị cáo. Chị ngồi lặng lẽ, tay siết chặt mép áo. Chị còn 3 con, con lớn chỉ mới 6 tuổi, con nhỏ chưa tròn năm. Từ ngày chồng gây án, chị vừa chăm con, vừa lo chạy vạy khắp nơi để lo tiền bồi thường cho gia đình bị hại. Bản thân chị phải sống trong chuỗi ngày u tối, tuyệt vọng.
Một viên đạn không chỉ kết thúc sinh mạng của người khác, mà còn kết thúc luôn chính cuộc đời của người bóp cò. Pháp luật không dung thứ cho tội ác, dù nó xuất phát từ sự bốc đồng hay thù hằn. Cái giá phải trả là quá đắt, là sinh mạng, là tan nát gia đình, là những năm tháng không còn cơ hội làm lại. Vụ án là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đừng bao giờ để cơn giận làm chủ lý trí, bởi hậu quả có thể là bi kịch không lối thoát.
Tố Tâm
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202507/noi-dau-sau-toi-ac-a4d149f/