Nỗi đau tai nạn lao động

Nỗi đau tai nạn lao động
một ngày trướcBài gốc
Từ trụ cột trong gia đình, anh Nguyễn Trường Văn phải ngồi xe lăn và mất đi một chân do xe nâng cán phải tại nơi làm việc. Từ tháng 5/2024 đến nay, trải qua 7 lần phẫu thuật, sức khỏe anh trở nên suy kiệt. Gánh nặng nuôi các con ăn học và chăm lo cho cả gia đình dồn lên vai người vợ.
Anh Nguyễn Trường Văn - xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Việc sinh hoạt cá nhân cũng bị ảnh hưởng, thu nhập của gia đình thì bị tạm dừng. Vợ cũng phải đi viện chăm sóc. Hai ông bà ở nhà đã già, làm ruộng chẳng được bao nhiêu".
Với ông Trần Tuấn Anh, hai năm qua là quãng thời gian day dứt, hối hận muộn màng. Quá trình hàn cửa, chủ xưởng không tuân thủ quy trình làm việc an toàn, để xỉ hàn rơi vào thùng phuy có chứa xăng thơm, gây phát nổ. Vụ tai nạn làm chủ xưởng và một đồng nghiệp tử vong, ông may mắn thoát chết nhưng bị bỏng 40% cơ thể.
Ông Trần Tuấn Anh - phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội cho hay: "Bài học của mình là trả giá bằng cả mạng sống để nhắc người làm sau cũng phải cẩn thận".
Năm 2024, toàn quốc đã xảy ra hơn 8.200 vụ tai nạn lao động, làm hơn 720 người chết, gần 1.700 người bị thương nặng. Tuy nhiên, con số tai nạn trên thực tế có thể cao hơn nhiều lần. Bởi mới chỉ có khoảng 7,5% doanh nghiệp báo cáo tình hình tai nạn lao động.
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: "Chỉ khi nào an toàn lao động trở thành văn hóa, trở thành ý thức chủ động của cả người chủ sử dụng lao động với người lao động thì lúc đó sẽ giảm thiểu tai nạn lao động".
Ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, từ nhà máy, xí nghiệp đến những công trình, cơ sở sản xuất cũng đều tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Chỉ một phút lơ là, thiếu cảnh giác trong lao động, cái giá phải trả sẽ bằng sức khỏe, tính mạng của người lao động và những người xung quanh.
Việt Hằng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/noi-dau-tai-nan-lao-dong-334787.htm