Những ngày cuối năm se lạnh, chợt bắt gặp đôi chim én đang chao nghiêng trên nền thiên thanh, tôi nhẩm hát “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về...", tự nhiên lòng cồn cào nhớ tết nơi quê nhà.
Mùa xuân quê nhà là nụ cười hạnh phúc của ba má, là sum họp của đủ đầy các thành viên trong gia đình, niềm vui xuân được nhân lên gấp bội khi những người thân yêu mạnh khỏe, bình an. Nhớ lắm những ngày cạn Chạp, chị em tôi về quê đón tết cùng gia đình, ngoài sông nước lớn, mùi phù sa lan tỏa và với tôi, đó là mùi hương nhớ nhung.
Ảnh minh họa AI
Lối vào nhà được ba trồng hàng cau kiểng thẳng tắp. Vào độ giáp tết, những chùm trái cau chín đỏ thắm, rực rỡ nơi quài già, những quài non trái nhỏ xinh xinh thì xanh nhạt, còn loại không non, không già có màu xanh mượt đẹp vô cùng. Ba nói trồng cau kiểng sẽ mang đến may mắn, bình an cho ngôi nhà. Còn tôi thích hàng cau của ba vì nó đẹp, nhất là món mứt, chè cau thơm ngan ngát, ngọt dẻo tuyệt vời má làm từ những chùm trái mỗi độ tết về.
Xóm tôi, nhà nào cũng trồng hoa vạn thọ vào ngày tết. Má chọn những cây cao thẳng, bông nở đều để chưng bàn thờ Phật, bàn Thiên, bàn thờ ông bà và cả bàn thờ ông Địa. Má nói: "Bông vạn thọ rất ý nghĩa trong mùa xuân, tượng trưng sự trường thọ và sum họp, đủ đầy".
Tết quê nhà còn có những món ăn đọng trong niềm nhớ, dù không cầu kỳ, sang trọng. Tết sum vầy của gia đình toàn món ăn “cây nhà lá vườn” mà ba má đã kỳ công chuẩn bị. Thương nhất là bữa cơm chiều ba mươi tết rước ông bà và thời khắc giao thừa. Bữa cơm sum vầy với những món ngon thuở nhỏ. Năm nào má cũng làm mứt cau kiểng và nấu món chè từ trái cau đuôi chồn, có nơi còn gọi là cau hoàng hậu để đón giao thừa. Mấy chị em tôi về nhà từ hai mươi sáu, hai mươi bảy tháng Chạp để phụ giúp má làm mứt cau. Đây là món tết nguồn cội của dòng họ mà tôi sẽ dạy lại cho hai con gái, nhất định không để thất truyền.
Thật hạnh phúc khi ta có một miền quê để hoài nhớ và trở về. Ở nơi đó có ba, có má, các em và mái nhà yêu thương. Ở nơi đó có tết quê ấm áp tình thân. Nơi đó mãi là mùa xuân!/.
Lê Thị Ngọc Nữ