Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày tóm tắt Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Phạm Thắng
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận
Theo đó, Luật số 97/2025/QH15 tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật có liên quan trực tiếp đến vị trí, vai trò, chức năng, quyền và trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; trong đó thể hiện rõ mối quan hệ "trực thuộc" MTTQ Việt Nam, các nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do MTTQ Việt Nam chủ trì. Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan đến quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tại Điều 1 của Luật đã sửa đổi, bổ sung 11/41 điều của Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (gồm: Điều 1, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 16, Điều 18, Điều 20, Điều 25, Điều 26, Điều 32, Điều 33), cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định tại khoản 1 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung) về vị trí, chức năng, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.
Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được sửa đổi, bổ sung như sau: "Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Việc sửa đổi tiếp tục khẳng định nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động là đặc trưng trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vị trí, vai trò trung tâm, chủ trì của Ủy ban MTTQ Việt Nam, vai trò phối hợp và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.
Khoản 3 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức thành viên. Khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ của mỗi tổ chức".
Cùng với đó, nội dung sửa đổi đã cụ thể hóa đầy đủ quy định tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung) về mối quan hệ "trực thuộc" Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Khoản 2 Điều 5 quy định sau: "Các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
Điều chỉnh hệ thống tổ chức của MTTQ Việt Nam ở địa phương theo tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 110 Hiến pháp 2013 (đã được sửa đổi, bổ sung) và thống nhất với Điều 1 Luật Tổ chức Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi).
Theo đó, khoản 2 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định".
Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 440/447 tổng số ĐBQH có mặt tán thành, tương đương 98,43%
Đồng thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng điều chỉnh thẩm quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã khi không còn cấp huyện trong một số nhiệm vụ, như: giao Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã có trách nhiệm tổ chức tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (khoản 2 Điều 16); quy định chung Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử bào chữa viên nhân dân (khoản 2 Điều 18); giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu làm Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực (khoản 2 Điều 20);
Điều chỉnh vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong chủ trì và thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội để phù hợp với tính chất trực thuộc và nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do MTTQ Việt Nam chủ trì (khoản 1 Điều 25, khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 32).
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Tại Điều 4 của Luật đã sửa đổi, bổ sung 32/91 điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (gồm: Điều 2, Điều 4, Điều 8, Điều 11, Điều 12, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 47, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 54, Điều 55, Điều 59, Điều 60, Điều 62, Điều 63, Điều 83, Điều 85, Điều 86) điều chỉnh các quy định liên quan tới thực hiện dân chủ ở cơ sở theo tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (không còn cấp huyện, không còn thị trấn, có đặc khu ở hải đảo) và không còn đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã.
Cùng với đó là bãi bỏ các quy định về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Ban chấp hành công đoàn tại các cơ quan, đơn vị nơi không có tổ chức công đoàn cơ sở để thực hiện chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước.
Điều chỉnh thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong tiếp nhận nhiệm vụ quản lý về thực hiện dân chủ trong các tổ chức có sử dụng lao động khi không còn Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (điểm khoản 2 Điều 83).
Về điều khoản chuyển tiếp
Tại đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước vẫn còn tổ chức công đoàn cơ sở và các tổ chức công đoàn tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và với tổ chức, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân tại đơn vị, Luật có quy định chuyển tiếp "Công đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn ở đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước thì tiếp tục thực hiện quy định tại Chương III của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15" (Điều 5).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 97/2025/QH15 ngày 27/6/ 2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai một số nhiệm vụ như: Xây dựng và ban hành Kế hoạch thi hành Luật; xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 97/2025/QH15) bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Cương lĩnh chính trị, các văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là Đề án sắp xếp, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được thông qua tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Cùng với đó là bám sát và cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 203/2025/QH15) liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính quyền địa phương; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều cần thiết gắn với yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, bảo đảm tổ chức của MTTQ Việt Nam tương ứng với tổ chức đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã, được tổ chức tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và thống nhất, thông suốt từ trung ương đến cơ sở.
PV tổng hợp