Phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Xa Mát (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: TTXVN
Quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia được củng cố, phát triển trên nhiều phương diện hợp tác. Trong đó, trên lĩnh vực kinh tế, hai bên đã ký kết các Hiệp định thương mại tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Campuchia. Với Hiệp định thương mại biên giới được ký kết ngày 8/11/2022, hai bên thừa nhận việc phát triển thương mại biên giới giữa hai nước là một trong những chiến lược quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại; tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa các bên, giúp nâng cao mức sống của cư dân biên giới của hai nước và phát triển kinh tế của mỗi bên trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Với mục tiêu cải thiện, nâng cao mức sống của cư dân biên giới hai nước; tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện và phát triển bền vững của các bên; tạo mối liên kết phát triển lâu dài, ổn định, bền vững cho nhân dân hai nước; tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân của hai nước, hiệp định này được hai bên ký và xác định điều chỉnh về hoạt động mua bán hàng hóa tại khu vực biên giới và/hoặc trao đổi hàng hóa tại các chợ biên giới, với thương mại biên giới (hoạt động mua bán hàng hóa ở khu vực biên giới và/hoặc tại chợ biên giới của thương nhân hoặc cư dân biên giới của hai nước) và chợ biên giới (địa điểm được thành lập ở khu vực biên giới theo luật và quy định của mỗi nước để phục vụ hoạt động thương mại biên giới giữa các bên) giữa hai nước.
Thông qua các quy định trong hiệp định, hai bên đã thống nhất:
1. Về địa điểm thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực biên giới: Thực hiện thông qua các cửa khẩu/trạm kiểm soát biên giới do các bên chính thức thành lập.
2. Về thúc đẩy phát triển chợ biên giới: Tạo điều kiện phát triển chợ biên giới và hệ thống logistics tại khu vực biên giới nhằm thúc đẩy thương mại biên giới và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến mua bán hàng hóa. Thương nhân và cư dân biên giới của mỗi bên được khuyến khích hoạt động thương mại tại chợ biên giới phù hợp với luật và quy định của mỗi nước.
3. Về hàng hóa, thanh toán trong thương mại biên giới:
Đối với hàng hóa: Các bên cam kết tăng cường và tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa thông qua các cửa khẩu/trạm kiểm soát biên giới chính thức; hàng hóa được giao dịch ở khu vực biên giới không bao gồm hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của luật và quy định của mỗi nước (danh mục hàng hóa cấm hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng theo luật và quy định của mỗi bên và các thỏa thuận song phương có liên quan giữa các bên và các điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên). Việc xuất, nhập khẩu hàng hóa bởi thương nhân biên giới và quản lý bằng hạn ngạch, giấy phép và các hình thức quản lý khác như thuế, luật và quy định của mỗi nước sẽ được áp dụng. Các bên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa cần thiết cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Hàng hóa có xuất xứ từ một bên và xuất khẩu sang bên còn lại có thể được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế theo luật và quy định của mỗi nước.
Đối với thanh toán: Thanh toán trong thương mại biên giới có thể được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc đồng Việt Nam hoặc riel Campuchia theo quy định tại Hiệp định này và luật, quy định của mỗi nước. Các phương thức thanh toán đa dạng (qua các ngân hàng được ủy quyền của mỗi nước, bằng tiền mặt theo luật và quy định của mỗi nước, theo phương thức bù trừ hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu). Phù hợp với luật và quy định của mỗi nước, các bên đồng ý khuyến khích thành lập chi nhánh ngân hàng thương mại hoặc phòng giao dịch tại khu vực biên giới để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thanh toán thương mại biên giới. Hiệp định cũng quy định về lượng tiền mặt có thể mang vào hoặc mang ra khỏi mỗi nước mà không cần khai báo hải quan thực hiện theo luật về quy định của mỗi nước. Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại biên giới giữa hai nước, các bên nhất trí thúc giục Ngân hàng Trung ương của các bên tiếp tục làm việc theo hướng tối ưu hóa lượng tiền mặt có thể được đưa vào hoặc đưa ra khỏi mỗi nước mà không cần khai báo hải quan. Số tiền mặt có thể đưa vào hoặc đưa ra khỏi mỗi nước mà không cần khai báo hải quan sẽ được đăng Công báo Chính phủ hoặc Cổng thông tin điện tử Chính phủ và niêm yết tại trụ sở của tất cả các cửa khẩu/trạm kiểm soát biên giới.
4. Về dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới: Các bên đồng ý thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới, bao gồm nhưng không giới hạn đối với: kho bãi, giao nhận, vận chuyển, chế biến, bảo quản hàng hóa, dịch vụ ngân hàng và tài chính, phù hợp với luật và quy định của mỗi nước.
5. Về tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh qua biên giới: Các bên đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của thương nhân và cư dân biên giới, người được chủ hàng ủy quyền, phương tiện, người điều hành vận tải, người điều khiển phương tiện và người phục vụ trên phương tiện với điều kiện phải có các giấy tờ cần thiết, bao gồm cả giấy phép của người điều khiển phương tiện theo luật và quy định của mỗi nước. Các bên đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải xuất/nhập cảnh đến các địa điểm dỡ hàng/chất hàng ở khu vực biên giới phù hợp với luật và quy định của mỗi nước.
6. Về kiểm soát hàng hóa qua cửa khẩu: Các bên đồng ý áp dụng các biện pháp kỹ thuật và kiểm dịch đối với hàng hóa vận chuyển qua các cửa khẩu/trạm kiểm soát để đáp ứng các yêu cầu về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp kiểm dịch động thực vật; bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người; bảo vệ động thực vật, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Các bên khuyến khích cơ quan có thẩm quyền của mình phối hợp với nhau để hướng tới việc tạo thuận lợi hơn khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật đối với các giao dịch nhỏ giữa các cư dân biên giới hai nước. Hàng hóa qua cửa khẩu/trạm kiểm soát giữa các bên phải thực hiện các thủ tục qua biên giới theo luật và quy định của mỗi nước.
7. Về xúc tiến thương mại: Các bên đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến thương mại do các cơ quan, tổ chức và hiệp hội có liên quan của mỗi bên thực hiện, bao gồm các hoạt động ở các khu vực biên giới của bên kia. Tất cả các thương nhân, cư dân biên giới và cá nhân được khuyến khích tham gia vào các hoạt động này.
8. Về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại: Các bên cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc phòng, chống và trấn áp buôn lậu và gian lận thương mại, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hành vi gian lận thương mại xuyên biên giới, buôn bán trái phép thuốc lá, gỗ, gỗ chế biến, động vật hoang dã, ma túy, tiền chất hóa học, vũ khí, chất nổ và hàng giả. Để hợp tác có hiệu quả, các bên kêu gọi các cơ quan biên giới tăng cường trao đổi thông tin.
9. Về trao đổi thông tin: Các bên đồng ý cung cấp cho nhau, theo yêu cầu, thông tin cập nhật về luật và quy định liên quan đến thương mại, bao gồm các quy định về thủ tục xuất/nhập cảnh biên giới; thủ tục xuất nhập khẩu; danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; thuế, phí, lệ phí và các khoản khác.
10. Về vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong thương mại biên giới và các bên trong tổ chức thực hiện Hiệp định: Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình theo luật và quy định của mỗi nước, chính quyền cấp tỉnh khu vực biên giới có thể thỏa thuận các biện pháp thích hợp để tăng cường và tạo thuận lợi cho thương mại biên giới. Các bên khuyến khích chính quyền cấp tỉnh của mình tại các khu vực biên giới tham gia vào mối quan hệ “Các thành phố kết nghĩa" nhằm tăng cường thương mại biên giới và quan hệ giữa nhân dân hai nước. Trong tổ chức thực hiện, các bên thống nhất giao Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia làm đầu mối phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và chính quyền cấp tỉnh thực hiện Hiệp định. Các bộ, cơ quan liên quan và chính quyền cấp tỉnh của mỗi bên có trách nhiệm thực hiện Hiệp định này sau khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, trong Hiệp định còn ghi nhận sự thống nhất của các bên về giải quyết tranh chấp, sửa đổi, bổ sung và hiệu lực của Hiệp định.
Để tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định này, ngày 9/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 294/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia. Theo đó, đã xác định rõ lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện Hiệp định.
Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)