Nơi ghi dấu những ân tình

Nơi ghi dấu những ân tình
7 giờ trướcBài gốc
Và như một lẽ tự nhiên, đến hẹn lại lên, những ngày cuối tháng Bảy - mùa tri ân, dòng người lại lặng lẽ đổ về Nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn, một vùng đất thiêng giữa miền gió cát phía Đông Nam tỉnh, nơi lưu giữ ký ức của hàng ngàn người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hôm nay, anh Đông đưa vợ cùng các con đến thắp nhang cho người thân
Những bước chân trở về
Hôm nay (27/7), từng dòng người, xe cộ ra vào tấp nập tại cổng nghĩa trang liệt sĩ ở xã Hồng Sơn. Ngoài các đoàn tập thể, còn có rất nhiều các gia đình, hai ba thế hệ, nhiều cháu nhỏ được cha mẹ ông bà đưa đến viếng các liệt sĩ.
Võ Huy Đương, cậu bé 11 tuổi ở xã Mương Mán, lần đầu tiên theo cha lên nghĩa trang cách nhà hơn 40 cây số. Trong khi cha mẹ chuẩn bị bánh, nước, hoa tươi, cậu bé nhẹ nhàng bày trái đu đủ và thanh long vừa hái từ vườn nhà lên đĩa. Mọi thứ với Đương đều mới mẻ, nhưng lại mang một vẻ linh thiêng khó tả. Anh Võ Huy Đông, cha cậu bé chia sẻ, gia đình anh có hai liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây, là cô ruột và ông ngoại thứ.
Hồi nhỏ thì cha mẹ dắt mình đi. Rồi cưới vợ thì chở vợ lên. Giờ con cũng đã lớn, chở con đi cho con biết ông bà, biết ơn liệt sĩ. Nhờ có sự hy sinh đó mà con được đi học, được ăn cơm ngon, được vui chơi sung sướng. Sau này mình già yếu, nó còn biết đường mà thay mình đi.
Anh Võ Huy Đông chia sẻ
Các cựu chiến binh xã Hàm Liêm về Nghĩa trang làm giỗ cho đồng đội của mình
Dưới tán cây râm mát trong khuôn viên nghĩa trang, một nhóm cựu chiến binh thôn Thuận Điền (xã Hàm Liêm), bày lên mâm cơm đơn sơ với đồ ăn, trái cây, lon bia, chén đũa và cả vài nén nhang sắp sẵn để cúng đồng đội. Các cô, các chú nói, họ không đến tay không mà mang theo cả nỗi nhớ, cả ký ức. Một buổi giỗ đặc biệt giữa nghĩa trang vừa trang nghiêm, vừa thân tình. Mỗi người một câu chuyện, một đoạn nhớ thương, một lời gọi mời: “Mấy ông ơi, tụi tui lại về với mấy ông đây…”.
Cựu chiến binh Trần Hữu Thành (tóc bạc) thắp nén hương cho đồng đội của mình
Cựu chiến binh Trần Hữu Thành tóc bạc, da đã nhăn, mắt vẫn sáng khi nhắc đến đồng đội, trầm giọng: “27/7, tụi tui gọi là ngày giỗ đồng đội. Cứ đến ngày này là hẹn nhau về đây, thắp nhang, bày ít đồ ăn, rồi ngồi lại kể chuyện cũ. Vậy là đủ. Không về là nhớ, như có lỗi với mấy ổng”.
Những lon bia cụng khẽ vào nhau, không ồn ào, không say sưa mà như để tưởng nhớ và để giữ lại một phần thanh xuân đã gửi lại nơi chiến trường. Tình đồng đội, tình người sau bao năm vẫn vẹn nguyên, dẫu người ngồi lại đây đã khác xưa nhiều quá.
Mỗi bước chân về nghĩa trang là một lần trở lại tuổi thanh xuân rực lửa và đầy mất mát. Cũng từ những lần trở về ấy, giữa người sống và người đã khuất, tình đồng đội được nối dài, bền chặt như chưa từng có ranh giới của sự chia ly.
Nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn ngày càng khang trang, sạch đẹp làm ấm lòng những thân nhân liệt sĩ
Tri ân từ những điều giản dị
Gắn bó hơn 20 năm với nghĩa trang, ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn xem công việc của mình là sứ mệnh và là đạo lý. Ông bảo, cả 11 cán bộ nhân viên trong Ban quản lý đều là con em Hồng Sơn, vùng đất giàu truyền thống cách mạng nên ai cũng tận tâm, chăm chút như chăm người thân.
Mỗi phần mộ là một cuộc đời. Chúng tôi coi các liệt sĩ như người ruột thịt. Giữ sạch khuôn viên, quét dọn cỏ cây, thắp hương là cách để họ không đơn độc.
ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn chia sẻ
Ông Hữu Minh quê ở Thanh Hóa vào thăm anh trai của mình nhân Ngày 27/7
Không chỉ giữ gìn cảnh quan, Ban Quản lý còn là “người thân” của nhiều gia đình liệt sĩ. Như chú Lê Hữu Minh (65 tuổi, xã Thắng Lợi, Thanh Hóa), mỗi năm đều vượt đường xa để vào viếng mộ người anh ruột. Những lần vào thăm mộ, chú luôn mang theo chút quà quê, đó là vài chiếc nem chua, hũ mắm nhỏ như mang theo cả miền ký ức.
Gia đình từng tính đưa anh tôi về quê cho gần. Nhưng tôi nghĩ, nằm lại với đồng đội, với những người anh từng chiến đấu mới là yên lòng. Ở đây, năm nào vào cũng thấy sạch hơn, đẹp hơn. Người mất cũng được ấm lòng, người sống như tôi cũng thấy nhẹ nhàng.
Chú Lê Hữu Minh nói, mắt rưng rưng
Ông Phạm Ngọc Minh đang hỗ trợ thân nhân liệt sĩ tìm phần mộ
Dịp 27/7 năm nay, anh Võ Huy Đông, sau hơn một thập kỷ mới quay lại loay hoay giữa hàng ngàn phần mộ, bối rối tìm tên người thân. Nhưng chỉ với vài thao tác đơn giản tại phòng tiếp đón, hệ thống số hóa nghĩa trang đã nhanh chóng hiển thị vị trí chi tiết: khu vực, lô, hàng mộ. Không còn cảnh dò tìm từng bia mộ giữa nắng gắt.
Công trình số hóa thông tin Nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn, do Tỉnh đoàn Lâm Đồng thực hiện, đã trở thành bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ để tri ân.
“Số hóa thông tin nghĩa trang là cách tuổi trẻ thể hiện lòng biết ơn bằng chính thế mạnh của mình. Nhờ đó, người thân liệt sĩ, đồng bào khắp nơi dễ dàng tìm kiếm và hiểu thêm về những người đã hy sinh vì Tổ quốc.” Trong những dịp cao điểm, hệ thống đã giúp Ban quản lý hỗ trợ tìm kiếm cho hơn 400 lượt thân nhân mỗi ngày một con số không nhỏ, nhưng chứa đựng biết bao xúc cảm và tình nghĩa.
Anh Trương Minh Quang, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết
Nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn nhìn từ trên cao
Nghĩa trang liệt sĩ Hồng Sơn được xây dựng từ năm 1978 và hoàn thiện cơ bản năm 1983 trên vùng đất hơn 8 ha, ngay sát Quốc lộ 1A. Hơn 9.000 liệt sĩ từ khắp nơi trong tỉnh đã được quy tập về đây, tạo nên một “ngôi nhà chung” trang nghiêm, tươi đẹp và ngày càng ấm áp nhờ bàn tay, tấm lòng của người ở lại.
Sáng 27/7 năm nay, hoa nở rực rỡ trên từng lối đi, hương trầm lan tỏa trong nắng sớm. Những bàn chân bước nhẹ, những câu chuyện ông bà kể lại cho cháu con bên bia mộ, trong tiếng gió thổi từ vùng duyên hải cát trắng. Không cần lời hoa mỹ, chính những hành động lặng thầm như mâm cơm cúng đồng đội, lon bia cụng khẽ, món quà quê giản dị đã làm nên khúc tri ân sâu lắng và dài lâu.
Thanh Nhàn - Kiều Linh
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/noi-ghi-dau-nhung-an-tinh-383918.html