Năm 1967, Mỹ tăng cường thả bom từ trường xuống sông Hồng, sông Đuống nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của Hà Nội. Bến phà Khuyến Lương - đầu mối giao thông quan trọng ở phía Nam Thủ đô để xe quân sự từ Quốc lộ 5 qua phà rồi ra Quốc lộ 1A tiến vào Nam và ngược lại - trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt. Tại đây, tấm bia tưởng niệm được dựng lên để ghi danh 5 liệt sỹ TNXP Đội N49 và 275 TNXP Thủ đô - biểu tượng của tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh dưới mưa bom bão đạn.
Sáng ngày 25/7, những cựu TNXP Hà Nội năm xưa lại về đây dâng hương tưởng nhớ đồng đội của mình đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Hà Nội Nguyễn Văn Đính xúc động hứa, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống anh hùng; xây dựng tổ chức Hội ngày một vững mạnh; đẩy mạnh các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước, vì nghĩa tình đồng đội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cựu chiến binh - cựu TNXP dâng hương tưởng niệm đồng đội, tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều người trong số họ vẫn mang trong mình những vết thương chiến tranh.
"Ngày 25, 26 và 27/10/1967, Mỹ đánh bom dọc bến Kim Lan - Khuyến Lương rất ác liệt trong khi xe quân sự từ Hải Phòng lên đây, ngụy trang và xếp hàng dài chờ qua sông. Ban chỉ huy chiến dịch “Vượt sông, thông tuyến” lệnh cho Đại đội 1, bằng mọi giá, phải đưa đoàn xe qua sông sớm nhất. Với tinh thần “Sông nước là chiến trường, cầu phà là vũ khí”, các chiến sĩ kiên cường bám trụ, đưa xe sang sông, xe đi ban đêm trên cầu phao không hết, phải tăng cường lái phà chở cả ban ngày dưới làn bom đạn địch", cựu TNXP Trần Văn Tré nhớ lại.
"Đoàn xe đã sang sông gần hết thì 15h ngày 27/10, địch thả bom trúng cầu phao. Cột nước cao dựng đứng! Một nhịp cầu dài 50m và tàu ca-nô 180 mã lực chìm ngay tại chỗ. Sáu đồng chí bị thương đã được đồng đội và ngư dân cứu sống. Còn 5 đồng chí bị dòng nước cuốn trôi. Mệnh lệnh từ trên chỉ đạo: “phải tìm bằng được anh em”. Nhưng mọi nỗ lực cuối cùng chỉ tìm được 4 đồng chí. Liệt sĩ Tạ Văn Minh mãi mãi nằm lại đáy sông", ông Tré hồi tưởng.
Biến đau thương thành hành động, ngày 30/10, N491 được lệnh chuyển lên phía Bắc, gấp rút lắp cầu phao Bác Cổ cho đoàn xe của Chính phủ sang Sân bay Gia Lâm. Chỉ trong ba ngày, cầu phao dài 1.000m đã được hoàn thành. Tàu “Ba đảm đang” do đồng chí Nguyễn Thị Nga làm thuyền trưởng đã nỗ lực vượt bậc trong dòng nước xiết, sau 30 phút phối hợp với tàu của thuyền trưởng Trần Văn Đồng, đã hàn khẩu xong nhịp giữa sông và thông xe.
Bia lưu danh địa điểm lịch sử là một di sản quý báu để các cựu TNXP thăm viếng, tưởng nhớ đồng đội. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, những cống hiến, hy sinh của cha ông, từ đó nhân lên lòng tự hào, thấm sâu bài học tri ân, nguyện phát huy sức trẻ để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, đất nước giàu mạnh.
Nhân dịp này, thân nhân và gia đình các liệt sỹ cùng người dân địa phương cũng tới thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sỹ TNXP đã ngã xuống tại khu vực bến phà Khuyến Lương.
Nhưng một trăn trở lớn vẫn canh cánh trong lòng các cựu TNXP Hà Nội đó là: Hà Nội bao giờ sẽ có một tượng đài, một địa chỉ đỏ tôn vinh lực lượng TNXP - những người từng hy sinh thầm lặng cho Thủ đô và đất nước, giống như Đài tưởng niệm TNXP tại ngã ba Đồng Lộc?
Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Cựu TNXP TP Hà Nội luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tận dụng tốt thời cơ đẩy mạnh phát triển toàn diện, đạt được những kết quả trên nhiều lĩnh vực công tác.
Đặc biệt, phong trào thi đua đặc biệt: "Cựu TNXP Thủ đô hành trình làm theo lời Bác", xóa nhà tạm, nhà dột nát, theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Hội đã xây mới, sửa chữa 78 nhà tình nghĩa cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền là hơn 3,4 tỷ đồng. Phong trào sẽ còn tiếp tục đến hết năm 2025, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Linh Đan
Dương Thy