Sản xuất rau xanh tại cơ sở.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái, đóng tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, hiện đang quản lý hơn 920 học viên (trong đó có 24 nữ).
Từ ngày 1/3, sau khi được bàn giao, tiếp nhận từ Sở Nội vụ tỉnh, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Công an tỉnh đã duy trì mọi hoạt động của cơ sở ổn định, bảo đảm an toàn. Các học viên trong Cơ sở cai nghiện ma túy sau khi điều trị cắt cơn, yên tâm lao động và chấp hành tốt mọi nội quy, quy định của cơ sở.
Chiếc thuyền máy chở chúng tôi lướt trên hồ Thác Bà, tiến ra đảo “Cai nghiện” mất chừng 20 phút thì cập bến khu A. Một số học viên đã đợi sẵn, khuân vác đậu, trứng, thịt, giò... là thực phẩm tươi sống giúp hai bữa ăn chính của học viên trong ngày về bếp.
Trong khuôn viên đầy hoa phong linh nở vàng tươi, gặp Nguyễn Văn Ngọc, học viên Cơ sở cai nghiện ma túy cho biết: "Từ khi công an tiếp quản, các cán bộ chiến sĩ đã động viên giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, tạo điều kiện cho chúng tôi học nghề, để khi trở về địa phương có việc làm, sớm hòa nhập với cuộc sống đời thường".
Trò chuyện với Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1988, sử dụng ma túy từ năm 2008, đã thụ án 48 tháng tù giam, sau khi ra tù 2 năm lại tái nghiện, nay vào cơ sở cai nghiện được 15 tháng.
Tùng cho hay, vào đây được bảo đảm chế độ ăn hơn 60 nghìn đồng/ngày cao hơn chế độ ăn của cán bộ, có thêm rau xanh tăng gia được, nên sức khỏe bảo đảm tốt. Nhìn về phía đất liền xa xa, Tùng mong ngày về với vợ cùng con gái 11 tuổi, có việc làm và thu nhập để làm lại cuộc đời.
Các học viên học nghề sửa chữa điện tử. (Ảnh: THANH SƠN)
Để không làm gián đoạn hoạt động cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, ngay sau khi được điều động phân công công tác, 16 cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã nhanh chóng tiếp cận và triển khai nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với cán bộ nhân viên cũ của Cơ sở, tiếp tục tiếp nhận phân loại học viên, cắt cơn điều trị, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất và tái hòa nhập cộng đồng.
Luôn chú trọng bảo đảm chế độ, chính sách cho học viên đang cai nghiện, nhất là công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc và điều trị cho các học viên.
Thượng úy Hoàng Thị Yến, y sĩ của Cơ sở cho biết: "Ngay khi tiếp nhận đã tiến hành rà soát, sàng lọc các học viên có tiền sử bệnh, những bệnh sẽ phát sinh để kịp thời phát hiện, xử lý, tư vấn sức khỏe tốt nhất khi điều trị cho học viên cai nghiện. Ngoài ra, chúng tôi đã trao đổi nhiều kinh nghiệm trong chẩn, trị cắt cơn, kiểm soát người sử dụng ARV, tạo môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, góp phần tạo nên một tập thể đoàn kết vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".
Được biết, Cơ sở hiện đang quản lý hơn 100 học viên nhiễm lao tiềm ẩn, 5 người đang điều trị lao tại chỗ; có 5% học viên có HIV, được sử dụng thuốc ARV. Do có sự chuẩn bị, khảo sát kỹ lưỡng, lực lượng công an đã nhanh chóng tiếp cận và thực hiện tốt công tác vận hành, quản lý theo mô hình mới ngay từ những ngày đầu.
Các cán bộ chiến sĩ đã nắm chắc hoàn cảnh, tâm lý của các học viên để có những phương án, điều chỉnh cho phù hợp, khích lệ học viên xóa bỏ mặc cảm, thực hiện tốt các nội quy cai nghiện.
Khám bệnh cho học viên mắc lao tại cơ sở. (Ảnh: THANH SƠN)
Nằm trên đảo thuộc hồ thủy điện Thác Bà, Cơ sở cai nghiện ma túy trải qua hơn 20 năm hoạt động. Do tách biệt với đất liền, không tường rào, không có hệ thống dây thép gai, các khu nhà ở được xây dựng khang trang, chung quanh được trồng hoa, cây cảnh.
Cơ sở cai nghiện ma túy được chia thành 3 khu: Khu Hành chính ở đất liền, Khu A và Khu B nằm ngoài đảo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phân loại học viên cai nghiện theo năm giai đoạn điều trị. Hằng ngày, các học viên bắt đầu thức dậy từ 5 giờ sáng để tập thể dục, ăn sáng, sau đó phân thành các nhóm đi lao động.
Các học viên ở trong cơ sở được tự do hoạt động, không có cảnh nhốt trong phòng, giúp tư tưởng thoải mái, yên tâm cai nghiện, không còn tâm trạng lo sợ, tự ti như lúc mới vào.
Hiện, tỉnh Yên Bái đầu tư xây mới một khu nhà mới, sức chứa 300 học viên, vốn xây lắp 20 tỷ đồng, bảo đảm đủ nơi ở theo quy định. Ngoài lao động trồng rau, nuôi lợn, bò, cá... các học viên sau cắt cơn được đào tạo các nghề mộc, linh kiện điện tử, may mặc... từ đó giúp các học viên khi tái hòa nhập cộng đồng có chứng chỉ hoàn thành khóa học, được nhận vào làm việc tại đơn vị nếu có nhu cầu.
Học viên Giàng Thị Pàng, dân tộc H’Mông cho biết: "Thời gian qua em luôn được cán bộ hỗ trợ, giúp đỡ cắt cơn nghiện ma túy; cán bộ còn tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giúp em hiểu biết về pháp luật hơn. Ngoài ra, cán bộ giúp chúng em học nghề, để khi cai nghiện xong về nhà có việc làm ổn định, tránh xa ma túy".
Tổ chức nuôi bò bảo đảm bổ sung thực phẩm tại cơ sở. (Ảnh: THANH SƠN)
Trung tá Võ Lợi, Trưởng Cơ sở cai nghiện tỉnh Yên Bái cho biết: "Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của đơn vị là bảo đảm an toàn cho người bệnh và cán bộ chiến sĩ, bảo đảm chế độ cho học viên, giúp họ an tâm và chấp hành tốt nội quy của cơ sở.
Với quyết tâm cao, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống ma túy tại tỉnh miền núi Yên Bái". Đây là cơ sở tiến tới một xã hội không ma túy, góp phần đưa Yên Bái có chỉ số hạnh phúc cao trong khu vực miền núi phía bắc.
NGUYỄN THANH SƠN