Nơi huấn luyện 'chiến binh 4 chân' đặc biệt trong phòng chống tội phạm

Nơi huấn luyện 'chiến binh 4 chân' đặc biệt trong phòng chống tội phạm
4 giờ trướcBài gốc
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Trung tâm đào tạo, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an (15-12-1959 – 15-12-2024), PLO đã phỏng vấn với Đại tá Dương Đình Đoàn, Giám đốc Trung tâm.
Đơn vị đặc thù duy nhất của Bộ Công an
.Phóng viên: Kết quả công tác huấn luyện những “chiến binh 4 chân” từ khi Trung tâm thành lập đến nay như thế nào, thưa ông?
Đại tá Dương Đình Đoàn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an. Ảnh: VỮNG NGUYỄN
+ Đại tá Dương Đình Đoàn: Là đơn vị đặc thù duy nhất của lực lượng CAND, 65 năm qua, Trung tâm đã huấn luyện ra hàng nghìn “chiến binh 4 chân” phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho toàn lực lượng; là “cánh tay đắc lực” thầm lặng của lực lượng Công an góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Trên cơ sở lý luận khoa học và kinh nghiệm quý báu của các nước như Liên Xô (cũ), CHDC Đức, Trung Quốc, Cuba, Belarus… đồng thời vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, từ năm 1959 đến nay, Trung tâm đã chiêu sinh 59 khóa đào tạo, 31 khóa tập huấn với tổng số hơn 5.500 học viên và hơn 5.200 chó nghiệp vụ trang bị cho các đơn vị nghiệp vụ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số cơ quan ngoài Ngành.
. Những thành tích nổi bật của lực lượng “chiến binh 4 chân” là gì, thưa ông?
+ Nổi bật là các “chiến binh 4 chân” đã tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các ngày lễ lớn của dân tộc, như các kỳ Đại hội đại biểu của Đảng, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Hội nghị cấp cao ASEAN, ASEM 5, INTERPOL 80, APEC....; bảo vệ thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2; đảm bảo an ninh an toàn chuyến thăm Tổng thống Liên Bang Nga; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam; ..
Công tác sử dụng động vật nghiệp vụ đã phát huy hiệu quả trên cả phương diện bảo vệ, phòng ngừa, tấn công trấn áp và hỗ trợ điều tra truy xét tội phạm. Ảnh: VỮNG NGUYỄN
Tham gia giám biệt mùi hơi trong vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Hưng Yên năm 2018; tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; đảm bảo an ninh trật tự địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ; phối hợp tham gia 2 chuyên án ma túy tại tỉnh Nghệ An năm 2021, tham gia tìm kiếm cứu nạn khắc phục hậu quả thiên tai; …
Trong đấu tranh phòng chống tội phạm gần đây nhất là chuyên án ma túy 279/LL tại Sơn La năm 2024.
Ghi nhận thành tích đã đạt được, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba, nhiều năm được Chính phủ và Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Công việc vất vả, nặng nhọc và độc hại
. Công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ được thực hiện như thế nào?
+ Huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ là một công tác khoa học, là động vật sống, có nhiều loại hình thần kinh khác nhau, mỗi cá thể lại được huấn luyện một chuyên khoa nghiệp vụ khác nhau, do đó, để huấn luyện chó nghiệp vụ tinh khôn “tốt nghiệp” là nhiệm vụ gian nan, vất vả, nặng nhọc và độc hại.
Quá trình huấn luyện tất yếu phải tuân theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, huấn luyện củng cố, nâng cao rồi lại tiếp tục củng cố nâng cao hơn để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ khác nhau. Ảnh: VỮNG NGUYỄN
Công tác huấn luyện được tiến hành công phu, bền bỉ, khoa học, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, quá trình huấn luyện là công việc bồi dưỡng năng lực chó nghiệp vụ theo các giai đoạn để chó có những năng lực nhất định đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của Ngành.
Có thể nói rằng huấn luyện chó nghiệp vụ thì có thêm “thiên chức làm mẹ” vì phải thức khuya, dậy sớm, “ăn không ngon, ngủ không yên” những khi chó ốm, hoặc khi chúng không “hoàn thành nhiệm vụ”.
Quá trình hình thành năng lực chó nghiệp vụ thực chất là quá trình xây dựng các phản xạ có điều kiện, nên hằng ngày phải thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện thì mới hiệu quả.
Bên cạnh đó, huấn luyện viên là nghề nguy hiểm vì ngoài việc sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm, cứu nạn, còn sử dụng công cụ hỗ trợ đặc biệt này để đánh bắt tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy và phát hiện thuốc nổ, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, chăn nuôi và sử dụng thuần thục chó nghiệp vụ, phải có sức khỏe, tinh thông nghiệp vụ, giỏi võ thuật, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm và xử lý các tình huống nguy
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
.Ngoài việc đào tạo, huấn luyện động vật nghiệp vụ phục vụ cho lực lượng Công an Việt Nam, đơn vị còn đào tạo, hợp tác quốc tế cho những đơn vị nào?
+Hiện nay Trung tâm đang có mối quan hệ hợp tác nghiệp vụ với lực lượng chức năng của các nước Trung Quốc, Cuba, Pháp, Australia,…
Riêng năm 2024, đơn vị đang đào tạo, giúp đỡ Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia với tổng 29 cán bộ, 29 chó nghiệp vụ. Ảnh: VỮNG NGUYỄN
Ngoài việc đào tạo chó nghiệp vụ phục vụ trong ngành Công an, Trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đào tạo cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ cho Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Campuchia, cụ thể:
Đã đào tạo giúp Bộ Công an Lào 6 khóa với tổng số 70 cán bộ huấn luyện, 70 chó nghiệp vụ các chuyên khoa nghiệp vụ gồm Bảo vệ và Truy tìm dấu vết hơi; giám biệt mùi hơi người, phát hiện các chất ma túy, thuốc nổ.
Đã đào tạo giúp Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia 10 khóa huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ với tổng số 145 cán bộ và 140 chó nghiệp vụ. Riêng năm 2024, đơn vị đang đào tạo, giúp đỡ Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia với tổng 29 cán bộ, 29 chó nghiệp vụ.
Sau khi tốt nghiệp về nước, lực lượng chức năng của Lào và Campuchia đã sử dụng chó nghiệp vụ có hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm tại đất nước Bạn.
Trong nước, Trung tâm đã hỗ trợ đào tạo giúp Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan 16 khóa với hơn 300 cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện ma túy để trang bị cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần quan trọng trong đấu tranh chống tội phạm ma túy tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.
Phương hướng phát triển
.Thời gian tới, Trung tâm sẽ có những phương hướng phát triển nhiệm vụ như thế nào?
+ Trung tâm xác định là xây dựng Trung tâm vừa là một đơn vị nghiệp vụ chiến đấu, vừa là cơ sở đào tạo cán bộ có chất lượng về công tác huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ trong lực lượng CAND.
Hiện nay, Trung tâm đã đảm bảo được nguồn nhân giống tại chỗ với hơn 50% số lượng chó nghiệp vụ, như Gene chó giống Berger Đức, hay Belgian Malinois (Becgie Bỉ). Ảnh: VỮNG NGUYỄN
Theo đó, Trung tâm tiếp tục thực hiện nghiêm túc Đề án số 11/ĐA-BCA-K02 của Bộ Công an về việc “Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Xây dựng quy chế phối hợp trong sử dụng động vật nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay nhằm tạo cơ chế ràng buộc và hành lang pháp lý cho mỗi lực lượng nghiệp vụ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, như: răn đe, uy hiếp, tấn công trấn áp đối tượng; phục vụ công tác điều tra, truy xét tội phạm; tham gia diễn tập phương án, tình huống nghiệp vụ...
Tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các nước tiên tiến nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ nguồn giống động vật nghiệp vụ quý hiếm, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.
. Xin cảm ơn ông!
VỮNG NGUYỄN
Nguồn PLO : https://plo.vn/noi-huan-luyen-chien-binh-4-chan-dac-biet-trong-phong-chong-toi-pham-post825036.html