Các đại biểu trò chuyện trước Bia di tích Quốc gia Báo Quân đội nhân dân.
Mạch nguồn lịch sử
Hồi mới vào nghề báo, tôi có dịp đến xóm nhỏ Khau Diều, nơi năm xưa đã chở che cho những người làm báo Quân đội giữa mưa bom bão đạn. Qua trò chuyện với những người cao tuổi khi đó là ông Hoàng Luận (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Định Biên) và ông Nông Đình Long, Bí thư Chi bộ, tôi được biết những năm kháng chiến gian khó, những bà mẹ, người anh, người chị đã lặng thầm che chở, chia sẻ từng hạt ngô, nắm gạo, manh áo ấm cho những cán bộ, biên tập viên, phóng viên. Nơi đây, tờ báo đầu tiên được in ra như một lời hứa: Sống - chiến đấu - viết và phụng sự Tổ quốc bằng trang giấy, bằng cây bút, bằng cả trái tim người lính.
Với giá trị lịch sử đặc biệt, nơi xuất bản số báo đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân ở xóm Khau Diều đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 2011. Di tích này không chỉ ghi dấu sự ra đời của một cơ quan báo chí cách mạng trong kháng chiến mà còn trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đạo đức nghề báo cho các thế hệ làm báo, đặc biệt là báo chí quân đội. Trên nền đất cũ năm xưa, năm 2020, một nhà bia và khuôn viên đã được xây dựng khang trang, ghi lại mốc son lịch sử với dòng chữ trang trọng: Tại đây, ngày 20/10/1950, số đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân đã được xuất bản.
Đại tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Biên tập Văn hóa - Thể thao, Phó Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân, chia sẻ: Hằng năm, đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày thành lập báo, nhiều đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân đều về nguồn tại ATK Định Hóa, trong đó có xóm Khau Diều - nơi "chôn nhau cắt rốn" của tờ báo - như một cách tri ân, nhắc nhớ về cội nguồn.
Đây là hoạt động tri ân và truyền lửa, giáo dục truyền thống cho thế hệ kế cận. Mảnh đất này không chỉ sinh ra tờ báo, mà còn nuôi dưỡng tinh thần phụng sự nhân dân, điều cốt lõi của người làm báo cách mạng. - Đại tá Nguyễn Văn Hải
75 năm qua, Khau Diều hôm nay vẫn còn đó đồi chè xanh mướt bên những hàng cọ, mái nhà ẩn mình dưới tán cây rừng, vẫn còn đó niềm tự hào âm thầm của người dân về nơi ra đời của một tờ báo đã hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Xóm Khau Diều và xã Định Biên ngày nay từng ngày đổi mới khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đang hướng tới xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Con đường đất đỏ năm xưa giờ đã được trải nhựa, nhà văn hóa xóm khang trang. Nhà bia ghi dấu nơi ra đời báo Quân đội cùng với nhà văn hóa thôn Khau Diều được xây dựng năm 2020 tựa lưng vào cánh rừng xanh ngát, hướng ra cánh đồng lúa mênh mông. Đây là công trình thể hiện tình cảm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” và tri ân của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, chiến sĩ Báo Quân đội nhân dân đối với các thế hệ cha anh đi trước và nhân dân địa phương.
Năm 2020, Bia di tích Quốc gia Báo Quân đội nhân dân được xây dựng và khánh thành dịp kỷ niệm 70 báo Quân đội nhân dân xuất bản số đầu tiên.
Mỗi chuyến về nguồn, đoàn Báo Quân đội nhân dân không chỉ thăm lại nơi in báo xưa, mà còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đền ơn, đáp nghĩa như: Tặng sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh; trao quà cho các gia đình cách mạng; giao lưu văn nghệ và hỗ trợ kinh phí cho địa phương xây dựng nông thôn mới. Những món quà ấy tuy nhỏ, nhưng đong đầy tình nghĩa, cũng là cầu nối bền vững giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.
Viết tiếp truyền thống báo chí cách mạng
Thượng úy Hoàng Hữu Chung, phóng viên Phòng Biên tập Kinh tế - Xã hội - Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, nhớ lại cảm xúc lần đầu đặt chân đến Khau Diều: “Nhìn từng dòng chữ trong bia di tích, tôi thấy lòng mình như lặng đi. Mọi dòng tin, mọi bài viết mình từng thực hiện dường như có thêm sức nặng khi biết chúng được viết tiếp từ mạch nguồn nơi đây. Chúng tôi, những người làm báo Quân đội hôm nay luôn tự hào và thấy mình có trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống báo chí cách mạng từ núi rừng Việt Bắc năm xưa”.
Niềm tự hào được công tác ở tờ báo Quân đội duy nhất được Bác Hồ kính yêu đặt tên đó có lẽ không chỉ riêng với phóng viên Hoàng Hữu Chung mà với tất cả những người đã và đang công tác ở tờ báo được đánh giá là “binh đoàn chủ lực” trong việc định hướng dư luận xã hội, là người bạn, người đồng đội tin cậy của bộ đội và nhân dân.
Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên ở thôn Khau Diều, xã Định Biên, (Định Hóa) năm 1950.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa đăng trên trang nhất số báo Quân đội nhân dân đầu tiên đã trở thành kim chỉ nam cho biết bao thế hệ người làm báo trong quân đội suốt 75 năm qua, từ chiến trường ác liệt đến mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Báo Quân đội nhân dân hiện là cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng - là tiếng nói của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Tờ báo có đội ngũ đông đảo nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp; có hệ sinh thái đa nền tảng từ báo in, báo điện tử đến mạng xã hội, truyền hình quân đội. Từ Khau Diều năm xưa, nơi lá rừng in chữ, đến các bản tin nóng bỏng tuyến đầu hôm nay, báo Quân đội nhân dân vẫn giữ nguyên mạch nguồn: “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nói lên tiếng nói của quân và dân cả nước”.
Ngày qua ngày, ở xóm nhỏ Khau Diều, gió vẫn hát trên những tán cây cổ thụ, trong từng nhịp sống thanh bình, là lời thầm thì không ngơi nghỉ: "Ở đây, tờ báo cách mạng do Bác Hồ đặt tên được sinh ra”...
Duy Phương