Nỗi lo bị mượn chỗ 'rửa xuất xứ' trở lại khi thương chiến nóng lên

Nỗi lo bị mượn chỗ 'rửa xuất xứ' trở lại khi thương chiến nóng lên
14 giờ trướcBài gốc
Dệt may, da giày, gỗ..là các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao tại thị trường Mỹ. Ảnh: T.L
Nguy cơ thành điểm trung chuyển hàng lẩn tránh thuế
Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn nằm ngoài danh sách các quốc gia bị Mỹ đánh thuế lần này nhưng với việc nằm trong top các quốc gia dẫn đầu về thâm hụt thương mại với nước này cũng chưa thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Khả năng Tổng thống Donald Trump có thể tăng thuế, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương, đẩy cao các đạo luật như quy định nguồn gốc sản phẩm đều là những điều có thể xảy ra với hàng hóa Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi sắp tới nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Thực tế, những lo lắng về chuyện dịch chuyển sản xuất, hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam không phải đến thời điểm này mới được nhắc tới.
Chia sẻ với KTSG Online, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết từ trước đó, giai đoạn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2018-2019, hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp đã nhiều lần bị Mỹ cảnh báo và áp mức thuế cao với nhiều mặt hàng xuất khẩu.
“Chúng ta phải hết sức lưu ý, tránh nguy cơ bị coi là quốc gia chính trong việc lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc”, TS Việt nói.
Hồi cuối tháng 11-2024, tại buổi tọa đàm giữa các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp phía Nam, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cảnh báo rằng khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có xu hướng qua Việt Nam mua xưởng, đầu tư, thuê công nhân sản xuất hàng. Khi đó, doanh số xuất khẩu vào Mỹ có thể tăng thêm nhưng phía sau đó là gì cần phải lường trước và có kịch bản.
Cho đến nay, khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, nỗi lo bị cáo buộc là trung gian hỗ trợ hàng hóa nước thứ ba vào Mỹ của doanh nghiệp Việt càng tăng cao.
“Chúng tôi rất lo việc doanh nghiệp Trung Quốc chuyển tải hàng hóa, trong đó có sản phẩm dệt may từ Trung Quốc đưa sang Việt Nam, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean nói.
Tương tự với ngành gỗ, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển sản xuất - thương mại Sài Gòn (Sadaco), cho rằng với mức thuế cao áp dụng cho Trung Quốc, các doanh nghiệp quốc tế có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia lân cận, trong đó Việt Nam là điểm đến tiềm năng. Điều này không chỉ thúc đẩy đầu tư FDI mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu cho ngành gỗ Việt.
“Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức cẩn thận. Mỹ có thể kiểm tra các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất các mặt hàng bị đánh thuế nhưng lại chuyển sang Việt Nam, lấy xuất xứ Việt Nam xuất sang Mỹ. Vì thế, doanh nghiệp Việt có thể bị điều tra, đánh thuế và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc này”, ông Mạnh nói.
Cần chuẩn bị gì ngay từ lúc này?
Theo công bố từ Cục Phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng hàng năm gần 20% vào năm 2024, đạt mức kỷ lục lên 123,5 tỉ đô la. Mức chênh lệch thương mại này có thể khiến Việt Nam trở thành mục tiêu tiềm năng của các biện pháp thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Do đó, bên cạnh các giải pháp cân bằng thương mại hai chiều, việc doanh nghiệp cố gắng minh bạch xuất xứ hàng hóa, chuyển đổi nguồn nguyên liệu sang các thị trường khác để tránh vạ lây từ các nước bị áp thuế suất cao đã trở thành “nhiệm vụ” quan trọng, động thái tự bảo vệ mình trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.
“Chúng tôi đã chuyển sang mua nguyên liệu dệt may của Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ…thay thế khoảng 15% nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc”, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean chia sẻ.
Vấn đề này cũng được TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng Việt Nam từ truyền thống như dệt may, da giày đến hàng chế biến chế tạo, đổi mới sáng tạo đều thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp Việt đang nhập khẩu trung gian, cụ thể từ Trung Quốc rất nhiều.
Ông cho rằng, cơ quan quản lý cần có chính sách thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng sản xuất công nghiệp nhưng với điều kiện là hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cao hơn, có sự kết nối, tham gia của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào chuỗi cung ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp nên quay về thị trường trong nước, thúc đẩy sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân để làm bước đệm cho sự thay đổi và biến động của kinh tế thế giới khó lường hiện nay.
Đặc biệt theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tìm cách giữ chân các doanh nghiệp Mỹ, như Apple, Google, Nike, Intel, Nvidia, Boeing, Coca-Cola, Pacifico Energy.… đóng vai trò như “tấm bình phong” hữu hiệu, minh chứng cho khả năng hợp tác song phương, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Do đó, bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu, các doanh nghiệp cần đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Mỹ.
Minh Anh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/noi-lo-bi-muon-cho-rua-xuat-xu-tro-lai-khi-thuong-chien-nong-len/