Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào trung tuần tháng 4, cử tri Lê Xuân Hiến ở Tổ dân phố Trung, phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên cho biết: Thực hiện Thông tư 29, người dân chúng tôi cơ bản đồng tình, ủng hộ. Nhưng sau một thời gian thực hiện, nhiều trung tâm giáo dục tư nhân mở, giá học thêm cũng thu cao hơn nên nhiều phụ huynh không đủ điều kiện cho con đi học ở trung tâm...
Tìm hiểu thực tế vấn đề này tại địa phương, chúng tôi đã liên lạc với thầy giáo Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Minh, được biết, năm học 2024- 2025, Trường THCS Duy Minh có trên 700 học sinh, trong đó có hơn 130 học sinh lớp 9. Thực hiện Thông tư 29 từ ngày 14/2 đến nay, hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí trong nhà trường đã dừng hoàn toàn theo quy định. Mới đây, nhà trường đã tổ chức hoạt động dạy thêm không thu phí cho học sinh lớp 9 đối với các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần/môn nhưng nhiều gia đình có con em chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 cho rằng, thời lượng này không bảo đảm việc củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh. Vì vậy, không ít gia đình đã cho con học thêm ở ngoài nhà trường.
Theo thông tin từ phía phụ huynh và giáo viên đang dạy thêm ngoài nhà trường trên địa bàn phường Duy Minh, mỗi buổi học thêm hiện có mức phí từ 40.000 đến 50.000 đồng/học sinh; lớp học có dưới 10 học sinh, mức giá sẽ cao hơn. Mức phí này được cho là đã có thể tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi Thông tư 29 có hiệu lực... Hiệu trưởng Trường THCS Duy Minh Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: Cử tri có ý kiến như vậy do họ đã so sánh việc học sinh được học thêm trong nhà trường trước đây chỉ phải đóng 21.000 đồng/buổi/học sinh (mỗi buổi học 3 tiết). Bây giờ, nếu ra ngoài học, giá học thêm cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi. So với mức thu nhập của người dân lao động, khoản chi phí cho con học thêm như vậy là khá nặng.
Giờ học chính khóa của học sinh lớp 9 Trường THCS Thanh Nghị (Thanh Liêm).
Tại huyện Lý Nhân, mức thu học phí của giáo viên đăng ký dạy học qua các trung tâm dao động từ 40 đến 70 nghìn đồng/buổi/học sinh, tùy theo sĩ số của lớp học. Khác với khu vực thành thị, tỷ lệ phần trăm hưởng mức thu giữa trung tâm và giáo viên là 30 và 60, nghĩa là nếu một ca học, giáo viên thu phí được 1 triệu đồng sẽ nộp lại cho trung tâm 300 nghìn đồng. Còn đối với các lớp học được tổ chức theo hình thức hộ đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm, mức thu dao động từ 20-25 nghìn đồng/ca/học sinh. Nếu lớp học dưới 10 học sinh, mức thu dao động từ 50 đến 60 nghìn đồng/học sinh/ca, không tăng so với trước. Ông Trần Văn Đô, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân cho biết: Có nhiều giáo viên THCS trước đây chỉ dạy thêm ở nhà với mức thu 20 nghìn đồng/ca/ học sinh. Khi Thông tư 29 ra đời, họ không đủ điều kiện để đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm vì cơ sở vật chất không bảo đảm quy định đành phải thông qua trung tâm để dạy thêm. Do vậy, mức thu học phí dạy thêm của các giáo viên này sẽ tăng gấp đôi so với dạy thêm tại nhà trước đây... Tâm tư của phụ huynh cũng như nhiều giáo viên mong muốn được tổ chức dạy thêm cho học sinh tại trường học. Nhưng tôi nghĩ, đó là việc không thể!
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai thực hiện Thông tư 29 trên địa bàn tỉnh, tính đến 20/3, toàn tỉnh có 286 cơ sở kinh doanh được cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục; trong đó, thành phố Phủ Lý có 100 cơ sở, huyện Lý Nhân có 72 cơ sở, huyện Thanh Liêm chỉ có 23 cơ sở, thị xã Duy Tiên có 24 cơ sở.
Riêng trên địa bàn thành phố Phủ Lý, theo số liệu tổng hợp từ Phòng Kinh tế thành phố, đến ngày 10/4, trên địa bàn thành phố có 331 hộ đăng ký kinh doanh ngành nghề giáo dục theo mã 8559. Hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở thành phố Phủ Lý cao gấp nhiều lần so với các huyện, thị xã. Khảo sát ý kiến của một số giáo viên đang tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho thấy, vì lý do phải nộp thuế thu nhập cá nhân và nhiều khoản chi phí khác khi tổ chức các lớp học thêm nên các thầy cô phải thu phí của học sinh tăng hơn so với trước. Không ít phụ huynh đã lo lắng khi khoản thu phí học thêm tăng kéo theo gánh nặng chi phí của gia đình. Với những gia đình cha mẹ học sinh làm công nhân hay công chức, viên chức bình thường, khi thu nhập phụ thuộc vào đồng lương thì việc phải chi trả một khoản đáng kể cho con học thêm như hiện nay đã gây cho họ một áp lực không nhỏ.
Còn ở khu vực nông thôn, khi học phí học thêm ngoài nhà trường cao hơn so với mức phí học thêm trong nhà trường trước đây khiến cho nhiều gia đình phải dừng việc học thêm của con em mình. Ông Nguyễn Văn Việt, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục chia sẻ: Nếu cho con đi học thêm ở các trung tâm thì vừa xa nhà, vừa tốn kém nên gia đình đành cho các cháu ở nhà, động viên các cháu tự học, tự ôn tập kiến thức.
Mặc dù còn nhiều băn khoăn và lo lắng nhưng hầu hết phụ huynh học sinh đều cho rằng, Thông tư 29 là một hướng đi đúng nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, bảo đảm công bằng và chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để quy định này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và nhân văn, rất cần những chính sách đồng hành, hỗ trợ thiết thực cho người học, nhất là đối với học sinh khu vực nông thôn.
Giang Nam