Một quầy bán thịt không có kiểm dịch tại chợ Hòa Cầm.
- Bề Tui không biết đấy thôi, hằng ngày phải nghĩ đến việc làm thế nào để tránh sử dụng các loại thực phẩm bẩn mà đau cái đầu.
- Bởi vậy cơ quan chức năng mới có khuyến cáo: “Hãy là người tiêu dùng thông thái” đó sao.
- Các bà nội trợ bây chừ đi chợ cứ như “thầy bói xem voi” thôi. Nói đâu xa, Công an TP Đà Nẵng vừa phát hiện, thu giữ 1 tấn chả thành phẩm có chứa hàn the tại cơ sở sản xuất giò chả của ông Phạm Xu Tý (1984) tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Hay như, Công an tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện nhiều cơ sở sản xuất giá đỗ có ngâm ủ bằng hóa chất “nước kẹo” (tức 6-Benzylaminopurine), trong đó một siêu thị lớn đã nhập, bán khoảng 6 tấn giá đỗ có chứa hóa chất “nước kẹo” đó.
- Đúng là hằng năm, cả nước xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm và các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý cả ngàn vụ việc nhưng tình trạng sử dụng hóa chất cấm để sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn chưa thể dẹp hết.
- Những vụ việc bị phát hiện chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” trong “ma trận” thực phẩm bẩn thôi. Còn rất nhiều loại được bày bán công khai tại các chợ, đầu tiên là các loại rau, củ, quả… còn tồn dư các loại thuốc từ diệt cỏ, trừ sâu, kích thích tăng trưởng; kế đó là các loại thịt được bơm nước trước khi giết mổ, thịt chưa qua kiểm dịch…
- Những âu lo của cô Tư nội trợ đều xác đáng, nhưng vì ở ta có đủ các loại chợ, từ vỉa hè, chồm hổm, truyền thống… rất khó quản lý. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cứ tiện đâu, mua đó và chưa kể một bộ phận người dân có tâm lý “chuộng” rau quê, thịt quê… nên vô tình tiếp tay cho những lò mổ chui, bán thịt không được kiểm dịch.
- Vậy người tiêu dùng cần làm gì để trở thành “nhưng nhà thông thái”?
- Bề Tui nghĩ, người tiêu dùng có 8 quyền và 2 nghĩa vụ được quy định rõ tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của mình trong hoạt động mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Nhiều người vẫn “làm ngơ”, không lên tiếng dù quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại hoặc có tâm lý dễ dãi trong việc mua hàng nên thực phẩm bẩn vẫn “hoành hành”.
BỀ TUI