Nỗi lo kép của sinh viên ngành y

Nỗi lo kép của sinh viên ngành y
2 ngày trướcBài gốc
Biến động nguồn tuyển
Bộ GD&ĐT vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành sư phạm và nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề. Năm nay điểm sàn khối ngành sức khỏe giảm 2 điểm so với năm 2024. Với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành y khoa và răng - hàm - mặt là 20,5 điểm (giảm 2 điểm so với năm ngoái); ngành dược học và y học cổ truyền là 19 điểm.
Các ngành sức khỏe gồm: điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kĩ thuật xét nghiệm y học, kĩ thuật hình ảnh y học, kĩ thuật phục hồi chức năng, kĩ thuật phục hình răng là 17 điểm. Như vậy, tất cả các nhóm ngành trong khối ngành sức khỏe năm nay đều giảm 2 điểm do phổ điểm thấp hơn năm trước và số lượng thí sinh dự thi giảm mạnh.
Năm nay, tổ hợp B00 có gần 47.000 thí sinh dự thi (bằng 1/7 năm 2024), trong đó, có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 điểm; 1 thí sinh đạt 29,75/30 điểm; 6 thí sinh đạt 29,5/30 điểm; 5 thí sinh đạt 29,25/30 điểm. Cả nước có 314 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên tổ hợp B00.
Số thí sinh dự thi tổ hợp B00 giảm mạnh so với năm 2024. Ảnh: NHƯ Ý
Năm nay, tổng nguồn tuyển đối với 17 ngành sức khỏe khoảng 53.000, nhưng số thí sinh dự thi tốt hợp B00 đạt từ 15/30 điểm trở lên hơn 33.000 em. Như vậy, tính bình quân, khối ngành sức khỏe không đủ nguồn thí sinh có tổ hợp B00 để tuyển sinh.
Mấy năm nay, ngoài tuyển sinh tổ hợp B00, khối trường y dược còn tuyển sinh một loạt tổ hợp khác như A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh). Vì vậy, có thể nhóm trường này chỉ ít nguồn tuyển ở tổ hợp B00, không thiếu nguồn tuyển ở các tổ hợp khác.
Một số trường y dược đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ tuyển sinh năm nay. Mức điểm sàn tương đương với quy định của Bộ GD&ĐT, trong đó có Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Trường ĐH Y dược TPHCM có 2 ngành cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định là răng – hàm – mặt và y khoa (22 điểm, Bộ GD&ĐT quy định 20,5 điểm). Các ngành còn lại từ 17 - 19 điểm như Bộ GD&ĐT quy định.
Nhưng xét riêng các ngành bác sĩ gồm y khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền (là ngành chủ yếu lấy nguồn tuyển B00, hoặc các tổ hợp có môn Sinh, chỉ một số ít trường xét tuyển tổ hợp khác), nguồn tuyển thực sự đang thiếu rất trầm trọng. Năm trước, chỉ tiêu các ngành bác sĩ là 6.000, năm nay lên gần 17.000.
Riêng chỉ tiêu ngành y khoa (ngành có điểm chuẩn cao nhất trong khối ngành sức khỏe) là khoảng 12.000. Năm 2024, với các trường công lập, điểm chuẩn ngành y khoa nơi thấp nhất cũng phải gần 25 điểm. Theo phổ điểm tổ hợp B00 năm nay, mức 24,75 điểm, cả nước chỉ có 4.498 em đạt (năm ngoái, mức này có 23.208 em đạt).
Với mức điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố, cả nước có gần 15.000 em đạt mức này. Như vậy, những trường ĐH đào tạo ngành bác sĩ ở top trung bình sẽ gặp khó khăn rất lớn về nguồn tuyển. Những trường top trên dự báo điểm chuẩn vẫn giữ ổn định ở mức cao (những trường điểm chuẩn ở mức 27 - 28/30 điểm), vì chỉ tiêu những trường này ít.
Riêng Trường ĐH Y Hà Nội, năm nay lần đầu tiên áp dụng cộng điểm thưởng từ 1 - 2 điểm cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nên điểm chuẩn những ngành bác sĩ không giảm so với năm trước.
Nỗi lo học phí
Trong 7 nhóm ngành đào tạo, nhóm ngành sức khỏe có học phí cao nhất theo quy định của Chính phủ. Năm nay, áp dụng theo Nghị định 81 và 97 (Nghị định về học phí của Chính phủ), học phí của khối ngành sức khỏe (các trường chưa tự chủ) cao nhất là 3,1 triệu đồng/tháng, với trường tự chủ một phần là 6,2 triệu đồng/tháng và trường đảm bảo tự chủ hoàn toàn là 7,75 triệu đồng/tháng.
Với các trường ngoài công lập, học phí hàng trăm triệu đồng. Nếu tính học phí của những trường ĐH công lập tự chủ một phần, học phí đối với 1 sinh viên tốt nghiệp bác sĩ hệ cử nhân (6 năm) là khoảng 500 triệu đồng (học phí tăng 10% mỗi năm). Nếu học xong bác sĩ nội trú (3 năm nữa), học phí phải lên đến gần 1 tỷ đồng.
Học phí trường ngoài công lập khi hoàn thành chương trình cử nhân bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa là hàng tỷ đồng. Sinh viên ngành y không có cơ hội làm thêm vì phải học lâm sàng song song học lí thuyết tại bệnh viện.
PGS Lê Đình Tùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, khẳng định, các nước trên thế giới, đào tạo y khoa cũng thuộc nhóm tốn kém nhất. Sự tốn kém này bắt nguồn từ chi phí đào tạo đặc thù. Ngoài chi trả học phí cho cơ sở đào tạo, sinh viên còn phải chi trả học phí cho các cơ sở đào tạo lâm sàng (bệnh viện).
Để giải quyết bài toán kép về học phí cho sinh viên, ông Tùng cho rằng, chỉ các trường ĐH không thể giải quyết, cần sự chung tay của các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội cấp học bổng và cần có sự hỗ trợ từ chính các cơ sở thực hành. Nếu không, việc đào tạo bác sĩ không đảm bảo chất lượng khi học phí cao đang là rào cản để sinh viên theo học.
Nghiêm Huê
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/noi-lo-kep-cua-sinh-vien-nganh-y-post1763028.tpo