Nỗi lo mất an toàn hồ, đập mùa mưa lũ ở Hà Tĩnh

Nỗi lo mất an toàn hồ, đập mùa mưa lũ ở Hà Tĩnh
7 giờ trướcBài gốc
Nhiều hồ, đập xuống cấp
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi có nguy cơ mất an toàn, đồng thời đề xuất phương án tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn công trình. Theo kết quả đánh giá, trong tổng số 130 công trình bị hư hỏng, xuống cấp, có 57 công trình có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2024.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác 33 hồ chứa, 4 đập dâng, 1 cống ngăn mặn giữ ngọt và hơn 420km kênh mương trên địa bàn 6 huyện, thành phố, thị xã thuộc phía Nam tỉnh Hà Tĩnh. Qua kiểm tra, rà soát, trong số những hồ chứa Công ty đang quản lý, khai thác, có 11 hồ bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ. Các hồ, đập xuống cấp đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt của người dân.
Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi Hà Tĩnh kiểm tra tại hồ Cha Chạm (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: VIỆT ĐỨC
Huyện Hương Khê là địa phương có số lượng hồ, đập nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh nhưng hầu hết đã xây dựng lâu năm trong điều kiện kỹ thuật không đồng bộ; quá trình quản lý, khai thác, vận hành thường xuyên chịu tác động của thiên tai nên nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, một số công trình có nguy cơ mất an toàn, phải tích nước hạn chế. Toàn huyện hiện có 27 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp.
Công trình hồ chứa nước Khe Cọi (xã Hà Linh, huyện Hương Khê) có dung tích 0,3 triệu mét khối, cung cấp nước tưới cho 20ha đất trồng lúa, hoa màu. Hồ được xây dựng cách đây gần 50 năm, đã xuống cấp với thân đập thấp, yếu, mái thượng lưu chưa được gia cố; xuất hiện nước thấm qua thân đập tại mặt cắt lòng khe. Cống lấy nước bị bồi lấp cửa vào, bị rò rỉ, không bảo đảm vận hành điều tiết nước. Năm 2023, nước lũ chảy tràn qua đỉnh đập khiến toàn bộ tuyến đập phía hạ lưu bị xói lở mạnh. Tình trạng hồ xuống cấp khiến địa phương rất lo lắng cho hơn 30 hộ dân sinh sống ở hạ lưu. Trong khi chờ dự án sửa chữa, đầu năm nay, UBND xã Hà Linh đã trích 80 triệu đồng, huy động nguồn lực, khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở thân đập bằng cách đóng cọc tre gia cố chân mái hạ lưu đập; sử dụng bao tải đất, cát gia cố mái hạ lưu đoạn bị xói lở. Ông Bùi Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Hà Linh trăn trở: “Đó chỉ là giải pháp trước mắt, khắc phục trong mùa mưa lũ. Về lâu dài, địa phương rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, khắc phục triệt để”.
Hồ Cha Chạm (xã Gia Phố, huyện Hương Khê) có nhiệm vụ phục vụ nước tưới cho 50ha lúa, hoa màu ở địa bàn. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay, thân đập Cha Chạm yếu, mặt đập hẹp, mái đập có độ dốc lớn; xuất hiện vết nứt dọc đập với chiều dài hơn 4m; cống lấy nước bị bồi lấp cửa vào, rò rỉ, đóng mở thủ công, thiếu khả năng thoát lũ. “Trước tình trạng hồ xuống cấp, để bảo đảm an toàn cho đập, cơ quan chức năng đã lên phương án không tích nước và xả nước về mực nước chết...”, ông Đặng Viết Long, Chủ tịch UBND xã Gia Phố thông tin.
Nỗ lực bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật; trong khi đó, phần lớn hồ chứa thủy lợi được xây dựng cách đây từ 40 đến 50 năm, đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Ông Hồ Đức Việt, Phụ trách Phòng Quản lý khai thác, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, chia sẻ: “Công ty được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt sửa chữa, nâng cấp 6 công trình. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn nên chúng tôi không thể triển khai thực hiện”.
Trước thực trạng nhiều hồ, đập xuống cấp, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi có nguy cơ mất an toàn đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định phương án tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn cho 57 hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024. Ông Nguyễn Việt Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Trước mắt, để khắc phục, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị quản lý triển khai các giải pháp hạ mực nước trong hồ; tổ chức kiểm tra, rà soát nhân lực, vật tư, thiết bị như rọ thép, đá hộc, bao tải... phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra...”.
Để bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ, đập, hệ thống đê điều, tổ chức tuần tra canh gác theo quy định. Các đơn vị quản lý hồ, đập tổ chức vận hành, điều tiết các hồ chứa theo đúng quy trình được duyệt, bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du; tổ chức trực 24/24 giờ tại các công trình tiêu, thoát lũ, nhất là các cống tiêu lớn để chủ động vận hành tiêu thoát nước chống ngập úng.
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, nhờ chủ động thực hiện các giải pháp vận hành, điều tiết nguồn nước nên trải qua hai cơn bão số 3 và số 4 cùng nhiều đợt mưa lớn nhưng mực nước tại các hồ, đập ở Hà Tĩnh hiện vẫn khá thấp. Các công trình này vẫn đủ khả năng tích trữ và điều phối nước một cách an toàn. Tuy vậy, đó vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài, bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp nhằm vừa phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du, nhất là trong mùa mưa lũ.
HOÀNG HOA LÊ
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/noi-lo-mat-an-toan-ho-dap-mua-mua-lu-o-ha-tinh-795517