Một số nhà khoa học và kỹ sư gốc Hoa tại Mỹ hi vọng ông Trump với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai sẽ ghi nhận những đóng góp của họ cho học thuật và tiến bộ khoa học ở nước này. Chính quyền Trump đầu tiên đã đưa ra Sáng kiến Trung Quốc mà họ cho là mang lại nỗi sợ hãi và sự phân biệt đối xử.
Ngoài niềm hi vọng, một số nhà khoa học và kỹ sư gốc Hoa tại Mỹ đã bày tỏ nhiều cảm xúc lẫn lộn, từ thiện chí và lạc quan thận trọng đến cảm giác khủng hoảng, sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Shan-Lu Liu, nhà vi rút học từ Đại học Ohio State, cho biết cộng đồng nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa đã nhận ra "giá trị của quá trình dân chủ trong các cuộc bầu cử ở Mỹ" và hi vọng chính quyền mới sẽ duy trì các nguyên tắc về khoa học và công nghệ, tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và khuyến khích sự hợp tác quốc tế.
Shan-Lu Liu nói: "Mỹ đã được hưởng lợi rất nhiều từ những đóng góp khoa học của những người nhập cư, đặc biệt là người Mỹ gốc Á, và điều đó không nên thay đổi".
Tuy nhiên, Shun-Rong Zhang, nhà nghiên cứu thời tiết không gian tại Đài quan sát Haystack của MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), cho biết kết quả bầu cử đã khiến triển vọng hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong công nghệ không gian "càng kém lạc quan hơn".
Đài quan sát Haystack của MIT là cơ sở nghiên cứu khoa học nổi tiếng, chuyên nghiên cứu về thiên văn học và vật lý vũ trụ. Được thành lập vào năm 1960, đài quan sát này nằm tại thị trấn Westford (bang Massachusetts, Mỹ), chuyên về nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quan sát không gian, gồm việc sử dụng sóng vô tuyến để nghiên cứu các hiện tượng như các lỗ đen, sao neutron và hiện tượng vũ trụ khác.
Đài quan sát Haystack cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hệ thống viễn thám và kỹ thuật liên quan đến nghiên cứu không gian, đặc biệt là qua việc sử dụng các thiết bị vô tuyến với độ phân giải cao để nghiên cứu các đối tượng xa xôi trong vũ trụ. Đây là một phần trong nhóm nghiên cứu thiên văn học của MIT và có nhiều dự án hợp tác quốc tế.
Theo Shun-Rong Zhang, các nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa ngày càng lo ngại về khả năng hồi sinh Sáng kiến Trung Quốc, cuộc điều tra được chính quyền Trump khởi xướng vào năm 2018 nhằm đối phó với cáo buộc gián điệp kinh tế và đánh cắp công nghệ của Trung Quốc.
Chương trình này đã bị chỉ trích nặng nề vì nhắm mục tiêu quá nhiều vào các học giả gốc Hoa vì những vấn đề không liên quan đến gián điệp. Dù chính quyền Biden đã chính thức chấm dứt sáng kiến này vào năm 2022, đảng Cộng hòa vẫn đang thúc đẩy việc khôi phục lại nó.
Các học giả gốc Hoa tại Mỹ lo sợ ông Trump hồi sinh Sáng kiến Trung Quốc, chương trình từng ảnh hưởng đến họ - Ảnh: Reuters
Peter Bi, nhà thiên văn học kiêm kỹ sư CNTT ở bang California (Mỹ), nói kết quả bầu cử không làm anh và bạn bè ngạc nhiên. Họ đã theo dõi số phiếu bầu vào tối 5.11 và thảo luận về chúng trong một nhóm WeChat.
"Chúng tôi biết ông Trump có rất nhiều người ủng hộ lần này. Trong khi đó, bà Kamala Harris dường như đã thực hiện một "chiến dịch tiêu cực" mà không nêu rõ chương trình nghị sự chính sách của riêng mình", Peter Bi nói.
Peter Bi và những người bạn (khoảng 100 nhà khoa học, kỹ sư nhập cư từ Trung Quốc những năm 1980 và 1990) cảm thấy Trump không thân thiện với người Mỹ gốc Hoa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tuy nhiên, vẫn có thể hi vọng về “những thay đổi tốt đẹp” khi ông Trump thừa nhận những sai lầm về bổ nhiệm nhân sự trong quá khứ đã làm xấu đi mối quan hệ Mỹ - Trung. Giờ đây, Trump có thể tìm các cố vấn có trình độ hơn khi kinh nghiệm chính trị của ông ngày càng tăng, Peter Bi nhận định.
Shaopeng Wang, nhà nghiên cứu về thiết kế sinh học tại Đại học Arizona State, bày tỏ mong muốn chính quyền Trump sẽ “mang lại hòa bình cho thế giới”.
Committee 100, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố New York gồm cả những người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng, đã chúc mừng ông Trump và J.D. Vance về chiến thắng trong cuộc bầu cử của họ.
“Chúng tôi mong muốn được làm việc với chính quyền sắp tới về các vấn đề ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Hoa hàng ngày, chẳng hạn đưa lịch sử AAPI vào chương trình giảng dạy, chấm dứt những định kiến cho rằng họ là "người ngoại quốc", tạo ra một môi trường tích cực cho nghiên cứu và hợp tác”, Committee 100 cho hay.
AAPI là viết tắt của Asian American and Pacific Islander, tức là người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương. Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ cộng đồng những người có nguồn gốc từ các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á và Thái Bình Dương, gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Hawaian, và các đảo Thái Bình Dương khác.
Cộng đồng AAPI tại Mỹ rất đa dạng, có nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống khác nhau. Thuật ngữ này thường được sử dụng trong các nghiên cứu, chính sách xã hội và các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề và thách thức mà cộng đồng này đối mặt, gồm giáo dục, sự phân biệt chủng tộc, đại diện trong các lĩnh vực chính trị và văn hóa.
Sơn Vân