Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dịp hè (ảnh minh họa)
Dù kỳ nghỉ hè chưa đến nhưng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến trẻ em. Giữa tháng 4, một nam sinh lớp 9 ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) chết đuối khi cùng các bạn chèo thuyền trong ao cá thì thuyền bị lật.
Mới đây, ba nam sinh 13 tuổi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang thả diều trên cánh đồng thì diều vướng vào dây điện cao thế. Các em dùng gậy kim loại, kiệu nhau trên vai để lấy lại diều thì bị điện phóng khiến cả ba ngã xuống mương nước gần đó. Một học sinh đã tử vong, một em bất tỉnh được đưa đi cấp cứu, em còn lại bị bỏng.
Những vụ việc thương tâm này chỉ là số ít trong những tai nạn thương tích thường xảy ra với trẻ em trong mùa hè.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 6.600 trường hợp tử vong. Riêng trong dịp hè, số ca tai nạn tăng mạnh do trẻ được nghỉ học, dành nhiều thời gian ở nhà hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời nhưng lại thiếu sự giám sát cần thiết từ người lớn. Trong đó tai nạn đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dịp hè.
Tai nạn thương tích ở trẻ không phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh hay môi trường sống. Ngay trong chính ngôi nhà của mình, trẻ em vẫn có thể gặp nguy hiểm do bỏng, điện giật, ngã, hóc dị vật…
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nhà lại là nơi xảy ra nhiều tai nạn nhất, dù có người lớn bên cạnh. Ở lứa tuổi lớn hơn, các tai nạn do bơi lội, leo trèo cây cối, chơi gần sông suối, ao hồ hay thậm chí đường điện cao thế cũng thường xuyên xảy ra do bản tính hiếu động, tò mò nhưng thiếu kỹ năng tự bảo vệ.
Phần lớn những tai nạn này đều có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, sự chủ quan, lơ là từ người lớn lại là nguyên nhân khiến những sự cố không mong muốn liên tục tái diễn. Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ cần dặn con vài câu là đủ, trong khi trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức để tự bảo vệ mình.
Môi trường sống cũng chưa thực sự an toàn, khi nhiều gia đình chưa chú ý che chắn ổ điện, khóa kỹ bể nước, cất gọn vật sắc nhọn… Một số khu vui chơi công cộng vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu.
Việc nâng cao nhận thức và hành động thiết thực từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội là vô cùng cần thiết. Cha mẹ cần trang bị cho con kiến thức và kỹ năng sống cơ bản như cách nhận biết mối nguy hiểm, kỹ năng thoát hiểm, cách gọi trợ giúp, nhất là kỹ năng bơi và phòng tránh đuối nước…
Đối với trẻ nhỏ, cần có sự giám sát trực tiếp khi vui chơi ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động dưới nước. Nhà ở cũng phải được cải tạo sao cho an toàn hơn với trẻ em, nhất là trong dịp hè khi các em dành phần lớn thời gian ở nhà.
Bên cạnh gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Các cơ sở giáo dục cần tổ chức nhiều lớp học kỹ năng sống, kỹ năng sơ cấp cứu, lớp học bơi miễn phí trước và trong kỳ nghỉ hè. Giáo viên cần nhấn mạnh những bài học an toàn trong các buổi sinh hoạt cuối năm, giúp học sinh nhận thức được những rủi ro thường gặp và biết cách phòng tránh. Đồng thời, việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương để theo dõi học sinh trong thời gian nghỉ học là rất cần thiết.
Các địa phương cần rà soát lại các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn, đặt biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm, tăng cường truyền thông về bảo vệ trẻ em qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 với chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em” là cơ hội để nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các hành động thiết thực nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ trong suốt mùa hè.
Một mùa hè đúng nghĩa không chỉ là khoảng thời gian được nghỉ ngơi, vui chơi, mà còn là cơ hội để trẻ em khám phá thế giới xung quanh, phát triển thể chất, tinh thần và kỹ năng sống.
Nhưng những điều tốt đẹp đó chỉ có thể trọn vẹn khi sự an toàn được đặt lên hàng đầu. Người lớn không chỉ dạy con mà phải đồng hành cùng con, không chỉ lo cho con mà còn bảo vệ con bằng hành động cụ thể và thiết thực mỗi ngày.
Đừng để mùa hè, khoảng thời gian đẹp và vui nhất tuổi thơ trở thành nỗi ám ảnh vì tai nạn.
PHƯƠNG LÂM