Khu vực bán thực phẩm tươi sống tại chợ Hoàng Ngân (thành phố Nam Định).
Chợ Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) được chia thành nhiều khu bán hàng, từ khu bán hoa quả, rau củ, đồ khô đến thực phẩm tươi sống và chế biến... Do được xây dựng từ lâu nên nền chợ ẩm thấp, đọng nước khi trời mưa. Tại đây, thực phẩm đã qua chế biến như giò, chả, mọc, xúc xích… được đặt ngay cạnh thịt sống mà không có tủ bảo quản riêng hay lớp bọc bảo vệ bên ngoài. Tại khu bán cá, hải sản, nhiều loại hải sản đông lạnh phải bảo quản trong tủ đông với điều kiện nhiệt độ ổn định mới bảo đảm an toàn nhưng lại được trưng bày trên thùng xốp, với nhiệt độ ngoài trời nóng bức, ruồi bu, nhặng đậu... Khu bán hàng ăn sẵn như bún, chè…, không gian chật hẹp, vệ sinh dụng cụ chứa thức ăn chưa được các chủ hàng quan tâm. Hầu hết chủ hàng ăn sẵn như bún, phở, bánh cuốn đều dùng tay trần để bốc bún, rau, thịt… vào các tô, đĩa, túi ni lông để bán cho thực khách. Do không gian chật hẹp, thiếu nước nên vấn đề vệ sinh dụng cụ chứa thức ăn cũng không được các chủ hàng chú trọng. Nhiều hàng chỉ dùng một tấm giẻ lau để lau chén, dĩa trước khi đựng thức ăn cho thực khách. Tuy nhiên các quán đều có đông khách ăn và mua về. Chị Lan Anh ở đường Phù Nghĩa cho biết: “Mỗi lần đi chợ tôi thực sự băn khoăn khi phải chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Tuy nhiên tìm đâu ra thực phẩm sạch khi phần lớn thực phẩm bày bán ở chợ đều không qua kiểm duyệt. Những người nội trợ như tôi chỉ biết mua bằng kinh nghiệm và cảm quan của mình dù đôi khi cũng không chính xác. Chuyện mua phải rau quả phun thuốc kích thích hay thịt không đảm bảo vẫn còn”.
Tại chợ Hoàng Ngân (thành phố Nam Định), hàng lòng lợn sống được bày bán ngay trên mép cống, nước xả cùng mùi hôi tanh luôn thường trực, nhưng xung quanh lại là quán ăn sẵn và các hàng thực phẩm chế biến sẵn như nộm, bún, bánh… Cách đó khoảng 20m là dãy hàng bán gia cầm, hải sản có giết mổ tại chỗ. Chị Liên, một tiểu thương tại chợ cho biết: “Việc làm sạch cá hay gia cầm tại chợ tất nhiên không bảo đảm vệ sinh vì diện tích chật hẹp, nước dùng tiết kiệm, lượng hàng bán ra tương đối nhiều và đông người qua lại. Nhưng nếu không làm thì hầu như cá hay gà, vịt không ai mua vì khách hàng bây giờ đều ngại giết mổ tại nhà. Chính tâm lý, nhu cầu của khách đã vô tình gây ra nhiễm bẩn cho thực phẩm của mình cũng như ô nhiễm môi trường khu vực chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh”.
Bên cạnh thực phẩm tươi sống, nhiều người dân có thói quen mua thức ăn đã chế biến sẵn tại các chợ bởi sự tiện lợi, giá cả hợp lý và nhanh chóng, như thịt quay, nem, chạo, dưa, cà muối… Các mặt hàng này thường được chế biến và bày bán ở khu vực không bảo đảm ATVSTP như vỉa hè, mặt đường, thu hút khá đông thực khách. Các loại thực phẩm khô cũng rất đáng lo ngại về tình trạng vi phạm ATVSTP. Nhiều mặt hàng như bánh kẹo, nấm, măng khô, gia vị… chỉ được đóng trong các bao tải, không nhãn mác. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn những thực phẩm này được nhập từ nước ngoài dưới dạng đóng thùng carton hoặc bao tải nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng… Tại nhiều chợ trung tâm, chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng như vậy.
Nam Định hiện có 192 chợ các loại ở hầu hết các xã, thị trấn; trong đó có 2 chợ hạng I (chợ Rồng, chợ Mỹ Tho); 16 chợ hạng II; 174 chợ hạng III. Đến nay, hầu hết các chợ đã có đình kiên cố hoặc bán kiên cố, các ki-ốt trong chợ đã từng bước được đầu tư khang trang, sạch sẽ; nền chợ, lối đi được cải tạo nâng cấp đổ bê tông, lát nền “cứng hóa”, hệ thống thoát nước, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường. Thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng vấn đề ATVSTP tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại như: Hàng hóa tại các chợ rất đa dạng, rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng; thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh. Trong quá trình bán, nhiều người bán hàng không dùng bao tay khi chế biến, không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách khi giao tiếp với khách hàng; các loại rau, củ bày dưới nền đất...
Điều đáng nói là nguy cơ mất vệ sinh diễn ra ngay trước mắt nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận và đây là nguyên nhân làm cho tình trạng mất VSATTP tại các chợ ngày càng phổ biến hơn. Tâm lý tiện lợi và thói quen, sự chủ quan, xem nhẹ vấn đề ATVSTP của nhiều người là một trong những nguyên nhân các chợ truyền thống ô nhiễm, nhếch nhác vẫn luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Gần đây, nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống còn liên tục quảng cáo, tiếp thị là thực phẩm sạch, rau sạch... do nhà tự làm, tự chăn nuôi, trồng trọt, chế biến. Trong khi đó, nguồn hàng được các tiểu thương nhập về từ khắp các địa phương trong cả nước và việc kinh doanh thực phẩm sống đan xen lẫn khu kinh doanh đồ ăn thức uống chín càng làm nguy cơ mất ATVSTP.
Bên cạnh đó, vì lợi nhuận và trốn đóng phí chợ, dọc những con đường vào chợ truyền thống hoặc các khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp, nhà trọ trên địa bàn tỉnh còn phát sinh tràn lan chợ cóc, điểm kinh doanh tự phát với nhiều hình thức như dùng xe đẩy, gồng gánh hàng rong bán đủ loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nhiều tiểu thương còn giết mổ gia cầm, chế biến thực phẩm tại chỗ, xả nước, chất thải tràn ra đường gây ô nhiễm. Đặc biệt, việc sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm của nhiều tiểu thương chủ yếu làm theo kinh nghiệm, thiếu khoa học, tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP.
Để bảo đảm VSATTP tại các chợ, ngoài sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của các tiểu thương; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm… Người tiêu dùng cần tự trang bị những kiến thức cần thiết để nhận biết, mua và sử dụng thực phẩm an toàn.
Bài và ảnh: Hồng Minh