Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa vẫn chưa hết áp lực khi nhớ lại ngày nhận quyết định điều động làm quản lý tạm thời khoa Điều trị bắt buộc nam, Viện Pháp y tâm thần Trung ương.
Đây là một trong những khoa nhiều cán bộ, nhân viên bị bắt nhất trong vụ án gây chấn động ngành giám định, gồm cả trưởng khoa và trưởng điều dưỡng khoa. "Tôi chưa từng làm quản lý, cũng không được đào tạo về giám sát phạm nhân tâm thần. Áp lực vô cùng", anh nói.
Khu điều trị bắt buộc nam. (Ảnh: Hữu Dánh)
Khoa hiện có 97 bệnh nhân nam, phần lớn phạm các tội nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích. Đội ngũ y tế chỉ còn 20 người, trong đó 10 nhân sự vừa được điều động từ đơn vị khác về hỗ trợ. Họ phải gánh vác cả công việc chuyên môn lẫn nhiệm vụ giám sát, theo dõi hành vi của người bệnh.
"Chúng tôi làm việc trong áp lực từ mọi phía: bệnh nhân, dư luận, chính bản thân. Hầu hết các nhân viên vừa điều trị vừa kiêm thêm ba, bốn nhiệm vụ", bác sĩ Nghĩa chia sẻ.
Áp lực lớn nhất đến từ sự nguy hiểm. Bệnh nhân ở đây còn từng có hành vi bạo lực, tổ chức hối lộ hoặc đe dọa nhân viên y tế. "Có người từng nói sẽ tìm người thân của chúng tôi ở bên ngoài để “nói chuyện”. Ai cũng phải nhắc nhau cẩn thận, hạn chế tiếp xúc bên ngoài, cảnh giác trong sinh hoạt", anh nói.
Việc giám sát phạm nhân hiện vẫn do nhân viên y tế đảm nhận, trong khi phần lớn không có kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm. Khi bệnh nhân quá khích, họ chỉ có thể lập biên bản và báo cáo. "Hôm nay yên, mai có thể lại rối, không ai dám chắc điều gì", bác sĩ Nghĩa thở dài.
Anh cho rằng, y tế nên tập trung chuyên môn, còn an ninh, giám sát nên do lực lượng công an phối hợp. Ngoài ra, cần sửa các quy định pháp lý để bịt kẽ hở, tránh trường hợp nhân viên y tế vừa điều trị vừa rơi vào thế nguy hiểm.
Bác sĩ Nghĩa (phải) cùng điều dưỡng Ngọc (trái) chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VTC News. (Ảnh: Hữu Dánh)
Cũng bị điều động tạm thời làm quản lý điều dưỡng, chị Tạ Thị Ngọc gọi đây là trải nghiệm “bất đắc dĩ”. Chưa từng nghĩ một ngày phải quản lý gần trăm người vừa rối loạn tâm thần, vừa có yếu tố tội phạm. Điều này chị hoang mang, sợ hãi.
Mỗi ca trực là một lần chị bước vào “ranh giới mong manh giữa nghề y và nguy cơ bị xâm hại”. Có lần chỉ vì nhắc bệnh nhân quay lại buồng, chị bị dọa “cho người xử”. Những lời đe dọa ấy không dừng lại trong viện. Chị phát hiện có người lạ lảng vảng trước cổng nhà, theo dõi giờ giấc con đi học.
“Là mẹ đơn thân, tôi phải gửi con đi ở nhờ để giữ an toàn”, chị nghẹn ngào. Dù đã trích xuất camera, báo công an địa phương, nỗi lo vẫn thường trực vì trong gia đình còn có mẹ già hơn 70 tuổi.
Mỗi lần đến ca trực là chị lại lo, liệu hôm nay có chuyện gì không. Rồi về nhà cũng chẳng yên. "Chợp mắt cũng giật mình, luôn có cảm giác bị theo dõi”, chị Ngọc nói và chia sẻ không ít lần muốn bỏ nghề.
“Tôi học điều dưỡng, không phải học để giám sát tội phạm. Mong sao có chỉ đạo rõ ràng, lực lượng hỗ trợ đủ mạnh để chúng tôi được làm đúng chuyên môn”, chị nói rồi lại lặng lẽ vào ca trực.
Theo ông Phan Kim Thìn, Phó Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương, hiện các y bác sĩ vẫn là lực lượng trực tiếp điều trị và giám định cho phạm nhân tâm thần, trong khi không được trang bị nghiệp vụ bảo vệ. Công an chỉ có mặt ở một số khu vực trọng điểm.
Để khắc phục, theo ông Thìn, cần ba giải pháp then chốt: Tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự giám định phải dựa trên năng lực và bản lĩnh chính trị; Bổ sung lực lượng bảo vệ chuyên trách, không để nhân viên y tế đơn độc trước các đối tượng nguy hiểm; Hoàn thiện hệ thống pháp lý, tránh sơ hở từ quy trình tiếp nhận, giám định đến báo cáo kết luận.
36 cán bộ Viện Pháp y tâm thần Trung ương bị khởi tố
Ngày 23/6, Công an TP Hà Nội công bố vụ án liên quan 36 lãnh đạo, cán bộ Viện Pháp y tâm thần Trung ương bị khởi tố. Họ bị cáo buộc nhận hối lộ, môi giới hối lộ, tổ chức sử dụng ma túy và lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Trong số này có Viện trưởng Trần Văn Trường và Phó viện trưởng Lâm Văn Thành. Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2016, Nguyễn Thị Mai Anh – đối tượng đang điều trị bắt buộc – cấu kết với nhiều cán bộ để “chạy” kết luận tâm thần cho mình và các bị can khác nhằm trốn tội.
Như Loan - Hữu Dánh