Không ít người có tuổi nhẹ dạ và những người trẻ đã bị “nọc độc” thao túng dẫn dắt. Đồng hành với báo chí chủ công thì ngày càng xuất hiện nhiều những youtuber, tiktoker dùng kiến thức bẻ gãy từng luận điệu xấu của giặc trên mạng, giải độc cho những người nhẹ dạ. Lượng người say mê chia sẻ những kênh này đang tăng dần, góp phần khiến cho lịch sử trở thành môn hấp dẫn.
Báo chí gần đây hân hoan đăng kỳ thi THPT năm 2025 thu hoạch 1.500 điểm 10 môn lịch sử. Lịch sử là môn có số lượng thí sinh lựa chọn thi cao nhất. Bài học lịch sử không chỉ trên sách mà từ sự sống động của các bảo tàng. Một số người đã được “giải độc” như phép màu nhờ đi thăm những tượng đài, di tích lịch sử cách mạng.
Vừa rồi có một câu chuyện tự ngộ nho nhỏ trên mạng, xin được lược thuật lại lời tâm sự qua video của một cô gái. Cô kể: “Em đã từng là “que củi” (từ lóng chỉ phản động) từ khi học cấp hai. Năm học lớp 8, tự dưng ông chú hàng xóm nói, “Có bao giờ mày nghĩ lịch sử do bên chiến thắng viết ra thì sẽ chỉ viết những điều có lợi cho bên chiến thắng không? Muốn biết sự thật, về nghe đài BXX News đi”. Thế là em về nhà nghe luôn, nghe xong, cuồng luôn. Bắt đầu lên trên mạng, lập nick clone (nhân bản tài khoản ảo) để cạnh khóe nhà nước, bình luận láo ở trên các diễn đàn. Thật sự, kể lại thì rất nhục.
Đến năm học đại học thì em hiểu biết hơn nhưng vẫn không yêu nước. Có một lần, cái giây phút quyết định việc em chuyển từ “que củi” sang yêu nước là khi lướt mạng thì thấy tour du lịch chỉ với 400.000 đồng thôi, sẽ được trải nghiệm từ Tân Trào sang ATK Thái Nguyên. Có nhiều bạn trẻ tham gia. Thời tới rồi! Cơ hội để đi kiếm người yêu đây rồi… Vừa lên đến nơi, đọc tấm biển ATK, sững người luôn, đó là an toàn khu mọi người ạ. Em thấy chán. Đã không yêu nước rồi lại phải du lịch về cội nguồn. Nhưng mà giây phút đi vào phòng mà Bác Hồ ở, nhìn khung cảnh mà Bác sống và làm việc, cái sự thiếu thốn đấy làm cho tình yêu quê hương đất nước của em được sống lại. Thật sự là ngọn lửa yêu nước trong em mới bắt đầu nhen nhóm. Sau hôm đấy thì em bắt đầu quan tâm tìm hiểu đất nước mình. Và em bắt đầu nghi ngờ BXX News.
Hè năm sau, em đi vào Côn Đảo chơi. Không bao giờ em quên được cái giây phút mà em đẩy cánh cửa phòng giam số 6 nhà tù Phú Hải. Không biết mô tả như nào… Nó nhói ở trong tim mọi người ạ. Nước mắt chực trào ra luôn. Rất sợ. Tại sao trong hoàn cảnh khó khăn và tra tấn man rợ như thế mà các cụ vẫn có thể quyết tâm đấu tranh để giành lại hòa bình? Giây phút ấy, chính thức là em yêu nước.
Để cho thế hệ sau không bị lú giống em, năm ngoái, con gái của chị em nghỉ hè, em book vé cho đi Côn Đảo luôn. Chắc chắn khi được đặt chân lên những địa điểm như vậy thì tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự tôn dân tộc của các cháu nó sẽ lên một level (mức độ) khác hẳn luôn. Đừng để bị lệch lạc như em, nếu không uốn nắn kịp, rồi sau này sẽ thành những người ít học lên mạng, nói linh tinh lắm”.
Có một chàng tiktoker người Australia là Ethan Kelly (thạo tiếng Việt và hâm mộ Việt Nam) lên mạng nói: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi chúng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay (Lời bài hát dựa theo ý trong bài phát biểu của Bác Hồ tại trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/01/1955). Đây chính là câu hay nhất tôi từng nghe. Bởi vì đây chính là điểm cho thấy thế giới tây (phương Tây) đã đi sai… Ở bên thế giới tây ai cũng sống vì chính mình, không ai quan tâm đến ai cả…”.
Non sông trường tồn nhờ giáo dục. Cha ông cầm súng để cho con cháu được cầm bút. Tiền bối không tiếc xương, tiếc máu, chỉ lo sau này hậu duệ hững hờ với đất nước. Không có kẻ thù nào nguy hiểm hơn sự thờ ơ.
Ngày 17/7 là đúng 69 năm ngày thành lập Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (tiền thân là Bảo tàng Quân đội). Bảo tàng đã thu hút lượng khách khổng lồ và được ví như cơn sốt suốt từ khi mở cửa. Cùng những cựu chiến binh thăm lại những ký ức khói lửa của mình thì có rất nhiều các thanh niên trẻ. Lịch sử không còn là pho sách dày khô khan mà sinh động trò chuyện với người xem bằng những hiện vật ánh xạ năm tháng hy sinh giành độc lập đáng tự hào.
Hướng về ngày “Thương binh liệt sĩ”, những người trẻ đã tri ân các thế hệ cha ông bằng việc chăm sóc nghĩa trang, tượng đài; tặng quà người có công, dùng công nghệ hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin các liệt sĩ. Có những bạn tình nguyện vẽ phục chế miễn phí các bức ảnh liệt sĩ cho đẹp đẽ. Có những người thực hiện những dự án điện ảnh về những người gang thép.
Ngày 27/7 hằng năm là một ngày giáo dục lịch sử một cách tự nhiên. Lòng biết ơn chính là nội lực vĩnh cửu của đất nước.
Tả Từ