Nơi lưu giữ ký ức và hồn quê

Nơi lưu giữ ký ức và hồn quê
3 ngày trướcBài gốc
Thế nhưng, sự phát triển của siêu thị, trung tâm thương mại và thói quen tiêu dùng mới đã khiến nhiều chợ quê truyền thống dần mai một. Nhưng nay, làn sóng hồi sinh những khu chợ quê đang lan tỏa với nhiều tên gọi khác nhau và cách thức tổ chức cũng khá khác nhau ở vùng Đất Sen hồng.
Gian hàng bánh dân gian tại chợ quê Tân Thuận Đông (xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh) (Ảnh: M.X)
Những phiên chợ mang lại sức sống cộng đồng Đất Sen hồng
Khởi đầu là mô hình Chợ quê cồn Tân Thuận Đông. Một chuyến đò ngang đưa du khách từ bên này sông sang phía bên kia là cồn mà đôi khi bà con còn gọi là cù lao. Cũng ở thành phố thủ phủ Đất Sen hồng, còn có Chợ đêm Tân Thuận Tây lung linh về đêm bên bờ sông Tiền lộng gió của bà con Thuận Tân Hội quán.
Về với miệt đồng có Chợ quê xã Mỹ Đông. Đặc biệt, chợ này là sáng kiến của bà con thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi. Không chỉ trồng lúa chất lượng cao, bà con HTX còn muốn tạo ra không gian để mua bán những đặc sản miệt đồng, cho đời sống nông thôn không còn vắng lặng.
Rồi bà con Tân Nghĩa đến Mỹ Đông học tập, trở về xây dựng Chợ phiên xóm Rẫy, vì đặc điểm nghề nông ở đây gắn liền với ruộng rẫy, hoa màu. Rồi bà con xã Long Thuận, Hồng Ngự ra mắt Phiên chợ quê - Hương lúa miền biên viễn, gắn liền với hình ảnh những cánh đồng lúa mênh mông.
Không thể không nhắc tới chợ ẩm thực sầu riêng - Phú Hựu, Châu Thành, nơi quy tụ những sản phẩm chế biến từ loại trái cây “vua” này, như: bánh pía sầu riêng, chè sầu riêng, sinh tố sầu riêng, kem sầu riêng.
Chợ quê không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là nơi kết nối con người
Chợ quê không chỉ đơn thuần là nơi mua bán thực phẩm, mà còn là nơi giao tiếp, nơi con người gặp nhau mỗi ngày, cùng chia sẻ những câu chuyện về gia đình, mùa màng và cuộc sống. Đó là lý do chợ quê thường gắn với những nét đẹp truyền thống như: Giao tiếp bằng lời nói thân tình, gần gũi. Không có sự vội vã, người mua và người bán trao đổi không chỉ hàng hóa mà cả tình cảm, câu chuyện. Họp theo phiên - một nhịp sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của làng quê.
Những xu hướng chợ quê bền vững
Đó là, mô hình chợ sinh thái vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Tại đây, bà con sử dụng vật liệu tự nhiên như tre, nứa, lá dừa để làm gian hàng. Túi nilon bị hạn chế, thay bằng lá chuối, lá sen, lá môn, túi giấy thân thiện môi trường. Chợ tập trung vào các sản phẩm của địa phương, ưu tiên cho các sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch, gắn với tên người làm ra sản phẩm.
Đó là, mô hình “Chợ quê kết hợp du lịch”. Tại đây, các sự kiện văn hóa, ẩm thực được tổ chức ngay trong không gian chợ để thu hút khách. Mạng xã hội được tận dụng để quảng bá chợ truyền thống. Bà con khi không có điều kiện bán hàng trực tiếp sẽ được hỗ trợ bằng các phiên chợ online.
Đó là, hỗ trợ bà con nông dân biết kỹ năng kinh doanh để trở thành tiểu thương. Đào tạo cách trình bày sản phẩm đẹp mắt, giữ vệ sinh, đảm bảo chất lượng. Hỗ trợ bà con tiếp cận các hình thức bán hàng hiện đại như giao hàng tận nơi, bán hàng trên nền tảng số nhưng vẫn giữ được yếu tố “chợ quê”.
Đó là, bà con nông dân, cư dân nông thôn, chính là chủ thể của những phiên chợ quê, là người sáng tạo và tổ chức không gian chợ quê. Mỗi không gian phiên chợ quê cần có nét khác biệt dựa trên những gì làng quê đang có, tạo ra giá trị cao hơn.
Vài lời gửi gắm
Làm bất cứ việc gì cũng cần hiểu thấu đáo giá trị của nó, càng hiểu sâu càng trân quý những cái mới xuất hiện. Chợ quê không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là nơi lưu giữ hồn quê, hơi thở của xóm làng. Mỗi phiên chợ quê là một bản giao hưởng của cuộc sống - tiếng rao, tiếng cười, tiếng trả giá hòa cùng hương vị của đồng quê dân dã bên lũy tre làng, bên bờ ruộng lúa. Chợ quê nhỏ bé nhưng chứa đựng bao nghĩa tình, nơi con người trao nhau không chỉ là hàng hóa, mà còn là sự chân thành.
Giữa nhịp sống hiện đại, những phiên chợ quê vẫn giữ vẹn nguyên nét mộc mạc, như một nốt trầm lắng đọng trong bản hòa ca của thời gian. Có những thứ chỉ chợ quê mới có: gánh rau còn thơm mùi đất, con cá quẫy đuôi trong rổ nước, những món bánh ngày xưa ngoại làm, và những câu chuyện cũ không bao giờ quên. Những phiên chợ quê không ồn ào, không vội vã, chỉ có những con người chân chất và những điều bình dị mà đáng quý vô cùng. Dù có đi xa đến đâu, mỗi lần về quê, chỉ cần bước chân vào những phiên chợ là thấy lòng ấm áp như trở lại những ngày còn thơ bé.
Hãy thêm một điểm cộng vào các tiêu chí thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cho những địa phương tổ chức chợ quê. Điểm cộng vì sự sáng tạo của bà con nông dân và những cư dân nông thôn. Điểm cộng vì hệ thống chính trị cấp cơ sở đã tự tìm ra những việc làm đầy ý nghĩa. Điểm cộng vì sức sống cộng đồng nông thôn bắt đầu hồi sinh qua những phiên chợ quê.
Tạo ra không gian phiên chợ quê đã khó, gìn giữ và phát triển càng khó hơn nhiều lần. Muốn những phiên chợ quê quê mình trở thành thương hiệu, cấp ủy, chính quyền, những người làm nông nghiệp và nông thôn, công thương, văn hóa và du lịch, thông tin, báo chí và truyền thông cần xem đó là việc của chính mình chứ không phải chuyện nhỏ của bà con. Thành công không phải là đích đến, mà là hành trình phải kiên trì giữ gìn hằng ngày.
Giữ gìn những phiên chợ quê là giữ gìn hồn quê, hồn người!
Lê Minh Hoan
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/van-hoa/noi-luu-giu-ky-uc-va-hon-que-130186.aspx