Một góc xã Mỹ An, tỉnh Tây Ninh
Trong thời khắc lịch sử, nhiều tên gọi đơn vị hành chính sẽ không còn. Tên gọi có thể mất đi nhưng quê hương, cội nguồn vẫn còn đó, nuôi dưỡng thêm hoài bão, ước mơ để mọi người cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày 01/7, các đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động. Để chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này, thời gian qua, nhiều địa phương triển khai gắn bảng tên mới giúp người dân dễ nhận diện, thuận tiện trong việc liên hệ, giao dịch hành chính. Khi bảng tên cũ tháo xuống, nhiều người không khỏi bồi hồi, nuối tiếc, nhớ về tên gọi thân quen đầy tự hào của vùng đất “trung dũng, kiên cường”. Chị Trần Thị Ngà (phường Long An) bộc bạch: “Với tôi, dù tên gọi khác nhưng Long An vẫn luôn trong tâm khảm. Và dù là tên gọi nào thì chúng ta cũng không ngừng nỗ lực, cùng góp phần xây dựng quê hương”.
Sinh ra và lớn lên giữa đôi vòng Vàm Cỏ, anh Nguyễn Hoàng Tiến (Tiến Vàm Cỏ) đã đi qua hết tất cả các xã, phường của Long An. Từng địa danh, tên gọi, văn hóa, lịch sử của vùng đất Long An được anh Tiến khéo léo đưa vào lời bài hát. Và giờ đây khi tên gọi nhiều đơn vị hành chính sẽ không còn, những bài hát đó sẽ mãi là kỷ niệm khó quên. Và tin chắc rằng, đối với những người yêu Long An thì những bài hát đó sẽ sống mãi cùng năm tháng.
Anh Tiến trải lòng: “Dù bận rộn công việc, tôi vẫn dành một ngày chạy xe nhìn ngắm lại tên đơn vị hành chính cũ trước giờ đổi tên mới. Dù tên một số địa danh không còn nhưng quê hương, cội nguồn vẫn còn đó. Và chúng ta tự hào là những công dân của dải đất hình chữ S bởi nơi nào cũng là quê hương. Dự kiến thời gian tới, tôi tiếp tục sáng tác những bài hát mang đặc trưng của tỉnh Tây Ninh mới”.
Cách đây 5 năm, chị Lê Thị Mỹ Ly (quê An Giang) lên TP.Tân An, tỉnh Long An (cũ) làm việc. Từ lâu, những ân tình của đất và người Long An khiến chị Ly xem đây là quê hương thứ hai của mình. Để rồi khi tên gọi tỉnh Long An không còn, lòng chị không khỏi bùi ngùi.
Chị Ly nói: “Tôi thường kể với người thân về một Long An hào sảng, chân tình. Không chỉ tôi mà nhiều dân lao động xa quê như tôi đến với Long An đều cảm nhận được điều này. Long An đã chào đón chúng tôi, mang đến cơ hội việc làm và môi trường sống rất tốt. Tin rằng những nền tảng sẵn có, sau khi sáp nhập, tỉnh Tây Ninh mới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những ai muốn gắn bó với mảnh đất nghĩa tình này”.
Khi thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính đã tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là điều dễ hiểu, bởi mỗi con người Việt Nam đều in sâu ký ức, hình ảnh về quê quán, nơi “chôn nhau cắt rốn”. Song, qua lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm “đất nước là quê hương”, không ít người đã lặng đi, bởi đó không chỉ là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách hành chính mang tính lịch sử mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước. Qua đó càng khẳng định cuộc cách mạng sắp xếp đơn vị hành chính sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn, đưa quê hương vươn tầm cao mới.
Ngày 01/7, nhiều tên gọi đơn vị hành chính sẽ không còn nhưng chúng tôi tin rằng với nền tảng sẵn có, lòng yêu quê hương, đất nước sẽ là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Tây Ninh mới viết tiếp bản anh hùng ca đầy tự hào trong chặng đường phía trước./.
Kim Ngọc