Nơi người dân gìn giữ nét đẹp hồn quê Việt Nam qua chiếc nón lá

Nơi người dân gìn giữ nét đẹp hồn quê Việt Nam qua chiếc nón lá
3 giờ trướcBài gốc
Nằm cạnh con sông Đáy, làng Chuông là một ngôi làng cổ, nơi những người phụ nữ vẫn ngày ngày ngồi đan từng chiếc nón, gìn giữ nghề truyền thống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Hỏi chuyện nghề làm nón, ai trong làng Chuông cũng đều biết, nhưng khi hỏi nghề làm nón ở đây có từ bao giờ thì lại ít ai biết rõ. Theo lời những bô lão trong làng, từ thế kỉ thứ VIII, làng đã bắt đầu sản xuất nón. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Trong thời kỳ phát triển, làng Chuông là nơi cung cấp nhiều loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá già ghép sống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nón lá làng Chuông nổi tiếng bởi các đặc tính chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp. Để làm nên những chiếc nón, những người thợ làng Chuông đã phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Theo chia sẻ của các bậc cao niên trong làng, công đoạn đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Sau đó lá được lót dưới nắm giẻ và miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không rách. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Vòng nón làm bằng tre cật, nứa vót nhỏ và đều khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi người làm nón sẽ khâu lại. Đây là một công đoạn rất khó bởi lá rất dễ rách nếu không có sự khéo léo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Để có một chiếc nón hoàn chỉnh, người làm nón phải cẩn thận trong từng công đoạn, kiên nhẫn và khéo léo với từng đường kim, mũi chỉ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa, người dân làng Chuông vẫn miệt mài khâu từng chiếc nón. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Người già truyền lại cho lớp trẻ, người lớn dạy cho trẻ nhỏ, cứ thế mà nghề nối nghề, họ vững tin và âm thầm gìn giữ mãi chiếc nón lá truyền thống, vừa bảo tồn nét văn hóa của người Việt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/noi-nguoi-dan-gin-giu-net-dep-hon-que-viet-nam-qua-chiec-non-la-post982110.vnp