Người trồng chuối khu dân cư Xuân An, thị trấn Thanh Hà buồn rầu khi ra vườn không có chuối thu hoạch bán Tết
Mất nguồn thu nhập Tết
Từ trên đê nhìn xuống, cánh đồng trồng chuối phục vụ dịp Tết ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quân (Kinh Môn) vẫn bạt ngàn một màu xanh, nhưng không có một buồng nào. Đó là những vườn chuối mà người dân giữ lại cây con của cây mẹ đã bị bão đánh gục. Bão lớn làm cho toàn bộ cây chuối mẹ đang chuẩn bị giỗ buồng cho thu hoạch đúng dịp Tết đều bị gãy. Vườn chuối đổ rạp, nhiều gia đình cũng mất đi nguồn thu nhập dịp Tết này. Họ dọn dẹp cây mẹ và chăm bẵm lại cây con để ra xuân lấy giống trồng lại.
Ông Nguyễn Phúc Lộc ở thôn Bãi Mạc vừa là người buôn bán chuối lâu năm vừa là người trồng chuối có kinh nghiệm nhưng chính ông cũng không ngờ trận bão số 3 hồi đầu tháng 9/2024 đã gây thiệt hại nặng đến thế. Người dân Bãi Mạc có nhiều năm kinh nghiệm trồng chuối và chưa năm nào chuối bị thiệt hại do thiên tai. Có năm giông, gió to chuối cũng không đổ vì được chằng chống cẩn thận.
Cơn bão vừa qua, người dân cũng chủ động chằng chống nhưng không chịu được vì bão quá mạnh. Toàn bộ 2 mẫu chuối của gia đình ông Lộc cũng như nhiều gia đình khác đổ gục.
"Mỗi năm chỉ mong đến vụ Tết, chuối bán được giá cao để bù vào những ngày vất vả. Vậy mà siêu bão ấy đã cuốn hết đi”, ông Lộc ngậm ngùi nói.
Nhiều vườn chuối chỉ còn trơ tre sau bão
Không có chuối bán Tết, nhiều nông dân ở vùng trồng chuối khu dân cư Xuân An, thị trấn Thanh Hà không biết làm gì vào thời điểm này. Họ ra vườn chăm chuối con và ngậm ngùi nhớ lại khung cảnh những dịp Tết trước, người đến thu mua chuối tất bật, còn năm nay thì vắng lặng.
Thị trấn Thanh Hà có hơn 100 ha trồng chuối, chủ yếu ở khu dân cư Xuân An và An Lão. Nếu không bị bão, mỗi dịp Tết người dân có thể thu từ 500.000 đồng/buồng chuối trở lên. Năm nay, nhiều người còn lo lắng không có chuối để mua thắp hương ngày Tết.
Bà Lê Thị Liên ở khu dân cư Xuân An vẫn chưa hết buồn khi Tết đã cận kề mà không có chuối thu hoạch. “Cây chuối mà đã ngã thì không thể cứu vãn được. Chẳng còn gì để mong đợi”, bà Liên nói. Với bà Liên, Tết năm nay buồn hơn năm trước, việc mua sắm cũng hạn chế đi vì không có nguồn thu nhập từ bán chuối Tết.
Từ bao đời nay, cây chuối đã gắn liền với đời sống tinh thần và vật chất của người Việt Nam. Những buồng chuối xanh tươi, đều buồng đẹp mắt thường được chọn làm vật phẩm dâng lên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Với nhiều nông dân Hải Dương, trồng chuối không chỉ là kế sinh nhai, nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình mà còn mang theo niềm hy vọng về một mùa Tết ấm no.
Hy vọng mùa mới
Nhiều người trồng hoa sau khi chuối hỏng để chờ ra xuân trồng lại chuối
Không chịu khuất phục trước bão lũ, nhiều nông dân đã nhanh chóng dọn vườn để trồng cây ngắn ngày chờ mùa mới. Có nhà chuyển sang trồng hoa, hành, rau bí… Dù thu nhập không bằng chuối nhưng cũng là một hướng đi để khắc phục thiệt hại trước mắt.
Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quận (Kinh Môn) cho biết mỗi năm địa phương này thu hơn 20 tỷ đồng từ chuối bán Tết nhưng năm nay mất hết. Nhiều gia đình đi vay để đầu tư sản xuất nhưng cũng mất trắng. Cây chuối cho thu hoạch vào dịp Tết vẫn là cây trồng chủ lực của thôn Bãi Mạc và người dân đang tìm mua những giống chuối cứng cây, chống chịu tốt hơn với thời tiết để tháng 3 âm lịch xuống giống. Tháng 2, nông dân bắt đầu làm đất, ngâm vôi bột khử trùng, sâu bệnh, chuẩn bị tre để chống chuối.
Bà Vũ Thị Trang ở thôn Bãi Mạc tin tưởng: "Năm nay mất mùa thì năm sau mình làm lại. Đất vẫn còn đây, cây vẫn có thể trồng, chỉ cần cố gắng là sẽ qua được thôi, bão thì không phải năm nào cũng có”.
Ông Đặng Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Hà cho biết sau bão, thiệt hại chung nên người dân rất đoàn kết. Họ cùng nhau thu dọn ruộng vườn, chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau vượt qua khó khăn.
Để có chuối tiêu phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết, nhiều thương lái đã chủ động buôn chuối từ Tuyên Quang, Thái Nguyên về. Giá chuối năm nay dự kiến cao gấp đôi năm ngoái.
Ngoài Thanh Hà, Kinh Môn, nhiều địa phương cũng có diện tích trồng chuối nhưng cơ bản bị mất trắng do bão số 3. Tuy nhiên, với sự nhạy bén của người lao động, nhiều loại cây trồng ngắn ngày cũng đã thay thế để tạo thu nhập phần nào.
Vượt qua khó khăn trước mắt, người dân các địa phương vẫn tin tưởng cây chuối mang lại ấm no cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy nhiều nơi đang tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chuối, hỗ trợ nông dân các thủ tục về truy xuất nguồn gốc, gắn tem, nhãn để quả chuối trở thành nông sản đặc trưng của mỗi vùng.
Việc xây dựng thương hiệu và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sẽ giúp bảo đảm đầu ra bền vững. Người dân cũng cần chủ động học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để có những biện pháp canh tác bền vững, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống bảo vệ cây trồng trước mưa bão, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai.
MINH NGUYÊN