Nơi ranh giới mong manh

Nơi ranh giới mong manh
7 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ Trịnh Việt Bắc (phải) cùng đồng nghiệp theo dõi bệnh nhân bị ngưng tim được thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Ảnh: H.Dung
Bởi, tất cả các bệnh nhân nặng nhất đều tập trung ở đây. Việc giữ gìn môi trường sạch sẽ, hạn chế vi trùng là cực kỳ cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh.
Hạnh phúc vô bờ
Sau 2 tuần cùng các đồng nghiệp “chiến đấu” với “tử thần” để cứu mạng bé trai 4 tuổi L.A.K. bị viêm cơ tim tối cấp, thạc sĩ - bác sĩ Trần Lê Duy Cường (Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) đã có thể nở nụ cười.
Đứng bên giường bệnh quan sát bệnh nhi, bác sĩ Cường cho biết, khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bé trai đã trong tình trạng rất nặng, có khả năng tử vong cao và không thể chuyển lên tuyến trên. Chỉ trong đêm đầu tiên, bệnh nhi ngưng tim đến 4 lần. Các bác sĩ, điều dưỡng phải túc trực thường xuyên bên giường bệnh, cả đêm không dám chợp mắt. Mọi chỉ số sinh tồn của bé đều được theo dõi sát, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ khẩn trương xử lý ngay.
“Có những lúc chúng tôi nghĩ rằng không thể giữ được bệnh nhân, vì diễn tiến bệnh quá nặng. Nhưng với quyết tâm, tình yêu thương dành cho người bệnh, chúng tôi đã làm tất cả những gì tốt nhất cho bệnh nhân. Nhờ đó, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần và đến nay đã tỉnh táo mà không để lại di chứng gì. Đối với chúng tôi, hạnh phúc này không gì so sánh nổi” - bác sĩ Cường chia sẻ.
Chị Lương Quỳnh Dạ Thảo (ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành, mẹ bé L.A.K.) tâm sự: “Các bác sĩ, điều dưỡng đã sinh ra con trai tôi một lần nữa. Ngàn lời cảm ơn cũng không thể nói hết được tình cảm, sự biết ơn chân thành của gia đình tôi đối với các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện”.
Còn với BS CKI Trịnh Việt Bắc (Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất), ngày nào cũng tiếp xúc với vài chục ca bệnh nặng, phải thở máy, thở oxy khiến anh hiểu rõ hơn giá trị của sự sống.
Bác sĩ Bắc kể, bệnh nhân trong khoa phần lớn là người già, bị các bệnh như viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng, tai biến mạch máu não. Nhưng cũng có những bệnh nhân còn rất trẻ, là con một, là trụ cột của gia đình bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tự tử dẫn đến đa chấn thương, tổn thương rất nghiêm trọng.
Bác sĩ Bắc bộc bạch: “Vì yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt nên điều dưỡng, hộ lý trong khoa phải làm hết tất cả các công việc chăm sóc bệnh nhân. Từ việc thực hiện y lệnh của bác sĩ đến cho bệnh nhân ăn, uống sữa, tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho họ. Ai cũng luôn tay luôn chân suốt cả ngày”.
Vừa nói, bác sĩ Bắc vừa dẫn chúng tôi đi thăm một số bệnh nhân bị bệnh nặng sau thời gian dài điều trị đã hồi phục. Như một bệnh nhân nữ bị biến chứng nặng của bệnh tiểu đường phải thở máy, nay đã cai được máy thở và tiếp xúc được. Hay trường hợp một nam bệnh nhân 38 tuổi bị rung thất, ngưng tim đột ngột được cấp cứu, can thiệp mạch vành kịp thời…
Những nốt lặng…
Ở nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết như Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Nhưng không phải vì thường xuyên chứng kiến bệnh nhân ra đi mà cảm xúc của các y, bác sĩ nơi đây bị chai sạn.
8 năm làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, BS CKI Ngô Thái Bình đã nếm trải tất cả cung bậc cảm xúc. Từ vui sướng, hạnh phúc khi bệnh nhân bình phục dần rồi xuất viện, về với vòng tay yêu thương của gia đình, đến cảm giác đau buồn, day dứt vì dù đã làm hết mọi cách nhưng không thể giữ được bệnh nhân.
Bác sĩ Bình bộc bạch, những lúc bệnh nhi không qua khỏi, anh cảm thấy stress và tự nhủ phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn nữa để có thể làm tốt hơn, cứu sống được nhiều người bệnh hơn.
Với bác sĩ Bắc, lý do ban đầu anh vào làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc bởi muốn thử thách bản thân, muốn đối mặt với những ca bệnh khó để vượt qua nó. Tuy vậy, không phải lúc nào anh và đồng nghiệp cũng có thể vượt qua dù đã dốc sức, tận tâm vì người bệnh.
Bác sĩ Bắc nhớ lại, khi chưa có Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt, khoa liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị tai nạn giao thông dẫn đến đa chấn thương nghiêm trọng. Dù đã báo động đỏ toàn viện, huy động mọi điều kiện cần thiết để cấp cứu bệnh nhân nhưng cuối cùng bệnh nhân cũng không qua khỏi. Có trường hợp bị xe tải cán qua vùng khung chậu, các bác sĩ đã phẫu thuật, sử dụng các loại thuốc tốt nhất, truyền tổng cộng 20-30 đơn vị máu, giúp bệnh nhân ổn định, chuyển lên tuyến trên. Nhưng cũng chỉ được 3 tháng, bệnh nhân không thể chiến thắng “tử thần” do nhiễm trùng bệnh viện.
Để tăng cơ hội sống cho các bệnh nhân nặng, bác sĩ Bắc cho rằng, trước hết cần phải tăng cường giáo dục cho cộng đồng để càng có nhiều người dân biết kỹ thuật sơ, cấp cứu ban đầu đúng cách, sớm ở ngoài cộng đồng càng tốt. Chẳng hạn như với những ca ngưng tim đột ngột không phải do chấn thương, người dân có thể cấp cứu, ép tim để bệnh nhân qua cơn nguy kịch rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Riêng bác sĩ Bắc, anh liên tục tham gia các khóa học để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, như học chuyên khoa I về lọc máu, thay huyết tương, học thêm về siêu âm, điện tim, học hỏi thêm các kỹ thuật từ các chuyên khoa khác. Nhờ vậy mà từ năm ngoái, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã đưa kỹ thuật lọc máu liên tục, thay huyết tương lên tầm cao mới và đi vào thường quy, giúp cứu sống nhiều ca bệnh nặng.
Hạnh Dung
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/noi-ranh-gioi-mong-manh-2434f32/