Nối tiếp lịch sử truyền thống vùng đất mang tên Hoàng Mai

Nối tiếp lịch sử truyền thống vùng đất mang tên Hoàng Mai
7 giờ trướcBài gốc
Địa giới hành chính phường Hoàng Mai vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua, liên quan đến 10 phường của quận Hoàng Mai. Theo đó, gồm phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường Yên Sở, Thịnh Liệt (Hoàng Mai) và một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Giáp Bát, Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Trần Phú (Hoàng Mai).
Trong 7 đơn vị hành chính cơ sở mới của quận Hoàng Mai, phường Hoàng Mai có diện tích đứng thứ 2 (sau Lĩnh Nam 11,16km2) trong đó có trụ sở UBND quận Hoàng Mai hiện nay. Theo các cụ cao tuổi tại phường Yên Sở, vị trí địa lý phường Hoàng Mai trong tương lai, kế thừa với những gì mà địa phương này từng có, vốn có. Nếu biết vận dụng những thế mạnh của mảnh đất có truyền thống văn hóa, cách mạnh phường Hoàng Mai sẽ trở thành địa phương phát triển của Thủ đô.
Lịch sử tổng Sét
Theo đó, Thịnh Liệt tên Nôm là làng Sét, hồi thế kỷ XV còn gọi là Cổ Liệt, đã từng đi vào thơ caDưa La, cà Láng, tương Bần/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”, cá rô đầm Sét nổi tiếng bao đời nay. Ngày trước, thuyền rồng của vua Lê, chúa Trịnh vẫn thường du ngoạn từ Hồ Tây về Thịnh Liệt, dạo trên đầm Sét mênh mông. Đầm Sét và hệ thống đường sông, đường bộ ở cửa ngõ phía Nam thành phố đã cho làng Sét vị thế quan trọng đối với Thăng Long - Hà Nội và làng xóm trù phú. Sông Sét thông với sông Tô Lịch, sông Lừ, giúp cho việc buôn bán, giao thương tại cửa ngõ phía Nam của kinh thành trở nên thuận lợi.
Bản đồ đại lý Hoàn Long theo Dụ ngày 11/7/1942 và địa giới dự định mở rộng năm 1951, (tài liệu của Sở Địa chính Bắc Việt).
Nhà văn Phạm Mầu (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, xã Thịnh Liệt hay tổng Sét trước thế kỷ 15 gọi là Cổ Liệt, vốn có 9 giáp, duy nhất Giáp Lục có tên Nôm là làng Sét. Đây là một vùng quê cổ nổi tiếng từ thời Trần và đã được Nguyễn Trãi nhắc đến trong sách “Dư địa chí”. Dáng dấp của ngôi chùa Đại Bi mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.
Cuối năm 1914, Toàn quyền Đông Dương quyết định bãi bỏ khu ngoại thành Hà Nội và sáp nhập huyện Hoàn Long vào tỉnh Hà Đông. Đến năm 1942, chính quyền lại quyết định mở rộng khu nhượng địa, theo đó huyện Hoàn Long cùng với 22 xã thuộc phủ Hoài Đức được sáp nhập vào Hà Nội, lập thành "Đại lý đặc biệt Hà Nội" (Délégation spéciale de Hanoi), gọi là Đại lý Hoàn Long. Sở dĩ gọi là “đại lý” vì trên giấy tờ đất thì vẫn do tỉnh Hà Đông quản lý, nhưng các công việc hành chính và an ninh trật tự lại do Tòa đốc lý Hà Nội quản lý và điều hành.
Các nhà sử học giải thích Hoàn Long có nghĩa là "bao quanh con rồng", lỵ sở huyện Hoàn Long đặt tại Thái Hà Ấp, tức thái ấp của Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải. Huyện này có địa giới hành chính gần như bao quanh khu nhượng địa Hà Nội, theo tài liệu lưu trữ vào năm 1906, huyện Hoàn Long có 9 tổng trong đó Tổng Hoàng Mai gồm các xã Hoàng Mai, Khương Trung, Phương Liệt, Mai Động, Vĩnh Tuy. Đại lý Hoàn Long tồn tại đến năm 1954 thì chính thức bị chính quyền cách mạng bãi bỏ.
Cái nôi của phong trào cách mạng
Trong Cách mạng tháng Tám, Thịnh Liệt là một trong những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất. Đầu tháng 8 năm 1945, Thịnh Liệt có hơn 30 người tham gia tổ chức Việt Minh, làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa ở vùng Sét. Ngày 17/8/1945, Tự vệ chiến đấu vùng Sét tham gia cuộc mít tinh ở Nhà hát Lớn và tuần hành ở các phố nội thành đến chiều tối. Trong khí thế cách mạng sôi sục, ủng hộ Việt Minh, tối 17/8, các lực lượng Thịnh Liệt bao gồm Tự vệ chiến đấu, Tuyên truyền xung phong, các đoàn thể cứu quốc đã họp ở đền Bà Bụi, quyết định ngày 18/8 sẽ khởi nghĩa trong vùng.
4 giờ sáng 19/8/1945, Tự vệ vùng phía Nam TP hiên ngang dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa từ chợ Giáp Nhị ra tập trung ở chùa Sét để hòa nhập với đoàn của các làng xã Hoàng Mai tiến về Nhà hát Lớn. Đoàn Tuyên truyền Xung phong thành Hoàng Diệu từ Giáp Nhị hành quân đến chợ Mơ, lên chuyến xe điện riêng, chở các đội viên lên Hồ Gươm, rồi rẽ sang Tràng Tiền - Nhà hát Lớn, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Trụ sở UBND quận Hoàng Mai hiện nay được dự kiến làm trụ sở phường Hoàng Mai. Ảnh: TA
Vị trí đắc địa
Năm 1973, Giáp Bát và Giáp Lục tách ra, chuyển về các tiểu khu nội thành thuộc khu phố Hai Bà Trưng (năm 1981 gọi là quận Hai Bà Trưng). 3 thôn là Giáp Nhất, Giáp Nhị và Giáp Tứ còn lại thuộc xã Thịnh Liệt (thuộc huyện Thanh Trì). Năm 2004, xã này đổi tên thành phường Thịnh Liệt, chuyển giao cho quận Hoàng Mai, Hà Nội, vinh dự được chọn làm nơi đóng trụ sở của quận Hoàng Mai suốt 21 năm qua.
Phường Hoàng Mai trong tương lai vẫn là đầu mối giao thông quan trọng của cửa ngõ phía Nam Hà Nội, với các nút giao thông Bến xe Nước Ngầm, các đường chính Giải Phóng, Tam Trinh, đường Vành đai 2,5…
Thảo Chi
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/noi-tiep-lich-su-truyen-thong-vung-dat-mang-ten-hoang-mai.679838.html