Nối tiếp mạch nguồn quan họ

Nối tiếp mạch nguồn quan họ
6 giờ trướcBài gốc
Sức sống mới từ lớp măng non
Ấn tượng Hội Lim 2025 (12 - 13 tháng Giêng) không chỉ đến từ những canh hát ngân nga khắp cửa đình, cửa chùa, điếm quan họ, tư gia, trên bến dưới thuyền… mà còn ở lán hát của các câu lạc bộ quan họ măng non khu vực đồi Lim. Những liền anh, liền chị nhí từ các xã Hoàn Sơn, Nội Duệ, Làng Lim đã mang đến hội xuân lời ca tiếng hát đậm chất dân ca Kinh Bắc, gieo vào lòng du khách xa gần niềm xao xuyến, ngạc nhiên và thích thú. Đây cũng là lần đầu tiên Ban tổ chức Lễ hội vùng Lim dành riêng không gian cho các câu lạc bộ măng non với thành viên có độ tuổi từ 4 - 15, mang thông điệp về sự bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và kế thừa, lan tỏa tình yêu quan họ tới thế hệ trẻ.
Liền chị Nguyễn Hồng Thái không giấu được niềm vui khi chứng kiến lứa học trò tự tin biểu diễn các làn điệu quan họ trước đông đảo khán giả trong hội Lim. Sinh ra trong gia đình 4 đời hát quan họ, khi quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2009 cũng là lúc chị nghĩ tới việc truyền dạy di sản, ban đầu cho con cháu, rồi bạn bè của con tới xin học, dần dần có nhiều gia đình xin cho con học, nhất là vào dịp hè. Từ đó tới nay, Câu lạc bộ Quan họ thiếu niên nhi đồng thị trấn Lim đã trở thành địa chỉ ươm mầm quan họ.
Câu lạc bộ Quan họ thiếu niên nhi đồng thị trấn Lim. Ảnh: CLB
Câu lạc bộ sinh hoạt vào tối thứ Bảy hàng tuần, mùa hè thì học hàng ngày. Nhiều em say mê quan họ, theo thời gian, dần hiểu biết về các lề lối quan họ, hoàn thiện các kỹ năng để đạt đến độ vang, rền, nền, nẩy. Từ năm 2019 - 2024, nhiều thành viên trong Câu lạc bộ đã đoạt giải cao tại cuộc thi Tiếng hát măng non tỉnh Bắc Ninh, một số em đã theo học Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh. Câu lạc bộ cũng thường xuyên được mời biểu diễn lan tỏa di sản quan họ và giới thiệu tới khách du lịch… “Trở thành những anh hai, chị hai quan họ, các em lại tiếp tục lan tỏa tình yêu này đến thế hệ sau bằng cách trở lại dạy cho các em nhỏ của Câu lạc bộ, hoặc tham gia truyền dạy miễn phí ở nhiều huyện, xã khác…”, liền chị Nguyễn Hồng Thái nói.
Không riêng Câu lạc bộ Quan họ thiếu niên nhi đồng thị trấn Lim, 10 năm nay, liền anh, liền chị xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du cũng không ngừng lan tỏa tình yêu loại hình nghệ thuật truyền thống này. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn, liền chị Nguyễn Thị Nguyên nhớ lại thời điểm năm 2015, nhận thấy các em nhỏ trong thôn, xã đam mê quan họ, chị mạnh dạn thành lập câu lạc bộ măng non, tách ra từ câu lạc bộ Quan họ trung, cao tuổi, để truyền dạy miễn phí cho các bạn nhỏ. Ban đầu, Câu lạc bộ có 10 thành viên, đến nay đã truyền dạy cho gần 40 em, nhỏ nhất 3 - 4 tuổi. Giờ đây, phần lớn thành viên trong câu lạc bộ đã có thể hát được hàng chục làn điệu quan họ cổ và lời mới, tự tin biểu diễn…
Truyền nối tình yêu di sản
Các câu lạc bộ quan họ măng non chính là lực lượng truyền nối, gieo nguồn cảm hứng và niềm đam mê quan họ cho cộng đồng. Qua đây không chỉ là sân chơi cho lớp trẻ mà thực sự là cầu nối để di sản quan họ được gìn giữ, bảo tồn. Mấy chục năm thực hành làn điệu quê hương, đồng hành với công tác bảo tồn di sản quan họ Bắc Ninh, liền anh, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Hữu Thoa cho rằng, di sản quan họ chỉ thực sự phát triển bền vững khi giữ được trọn vẹn cái chất của dân ca. Để duy trì và phát huy giá trị di sản này, việc truyền dạy quan họ cho lớp măng non đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên sức sống mới cho quan họ, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống, vừa mở rộng tầm giá trị ra cộng đồng.
Hội Lim - lễ hội tiêu biểu của vùng Kinh Bắc là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quan họ trong giới trẻ. Sự hiện diện của những liền anh, liền chị “nhí” với phong thái hồn nhiên thể hiện niềm đam mê và mong muốn lan tỏa vẻ đẹp của quan họ đến với đông đảo công chúng. Sân chơi này không chỉ giúp các em nhỏ phát triển năng khiếu âm nhạc mà còn là cầu nối giúp các em hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc. Từ những bài hát như Lý cây đa, Vào chùa, Người ơi người ở đừng về... lớp măng non không chỉ hát mà còn cảm nhận được cái hồn, cái tình trong từng câu hát, từ đó nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào với di sản dân tộc…
Theo NNƯT Nguyễn Hữu Thoa, phong trào truyền dạy quan họ cho lớp măng non đang phát triển mạnh, song chất lượng truyền dạy là vấn đề đáng lưu tâm. Trên thực tế, việc truyền dạy cần chú trọng số lượng và chất lượng. Khó khăn nhất là chọn lọc các nghệ nhân có đủ năng lực và tâm huyết để truyền dạy. Việc dạy quan họ cho các cháu nhỏ có thuận lợi là dễ uốn nắn, nắm bắt, phát triển được chất giọng, nhịp điệu… Tuy nhiên với quan họ, nhất là quan họ cổ, không chỉ là kỹ thuật hát mà còn là cái tình, cái hồn của người hát. Các em nhỏ cần được học đúng chuẩn mực về làn điệu và phong cách trình diễn để tránh tình trạng hát lệch điệu, lệch chất sau này…
Chưa kể, quan họ Bắc Ninh là kho giá trị với rất nhiều lời ca, bài hát khác nhau. Nếu người thầy không thông thạo thì khó dạy lớp trẻ đúng chuẩn mực. Trong khi đó, quan họ nặng về tính đối đáp, nhiều câu hát trữ tình, lãng mạn, cần được chọn lọc phù hợp với đối tượng nhỏ tuổi… Nhiều lời quan họ cổ mang hàm ý cao, trong khi truyền dạy, người thầy phải nói đến ý nghĩa của bài hát, lời hát, để người học hiểu được nội dung, truyền tải được cái hồn quan họ qua cách nhấn nhá, luyến láy, có bổng, có trầm…
NNƯT Nguyễn Hữu Thoa cho rằng, trong bối cảnh quan họ ngày càng phát triển, rất cần có lớp đào tạo, tập huấn cho các thầy cô là những nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thế hệ quan họ măng non. “Để quan họ vừa phô diễn được cái hay, cái đẹp, bắt nhịp cuộc sống hiện đại, vừa bảo lưu được giá trị cổ là cách thể hiện trách nhiệm đối với di sản; điều này được ví như tạo ngòi châm bảo tồn quan họ. Từ đây, các cháu lớn lên, mỗi năm mỗi ngấm, dần trở về đúng chất quan họ, lan tỏa giá trị ấy đến cộng đồng”.
Thảo Nguyên - Hải Đường
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/noi-tiep-mach-nguon-quan-ho-post404342.html