Đau đáu nghĩ về bố mẹ
Chiều mùng 5 Tết, vợ chồng anh Quang Nghĩa (42 tuổi, quê Quảng Trị) cùng 2 người con thu xếp đồ đạc trở lại TP.HCM sau 9 ngày nghỉ Tết.
Nhìn mẹ tất bật gói ghém từng mớ rau, quả trứng, túi gạo... chất sau cốp xe cho các con đem ra thành phố. Nhìn bố trầm ngâm bên chén trà rồi quay sang thủ thỉ với cô cháu gái “Bao giờ ông bà mới lại được gặp Bông nhỉ?”, anh bỗng thấy xót xa trong lòng.
Trẻ nhỏ cần không gian sống rộng rãi, hòa vào thiên nhiên, tự do chạy nhảy. Ảnh: Anh Khoa
Cảm giác ấy khác hẳn với niềm hân hoan trong ngày anh mới về quê đón Tết cùng bố mẹ.
Chỉ mới đây thôi, anh vẫn được quây quần cùng gia đình trong bữa cơm đầu năm, được ăn cơm mẹ nấu, uống trà bố pha, được thấy ông bà vui vầy bên các cháu, hai đứa con nhỏ chơi đùa trong khoảng trời rộng lớn, bình yên... Bản thân anh cũng được sống lại tuổi thơ hồn nhiên, vô lo vô nghĩ.
Nhưng hiện tại, mọi thứ đã trở thành ký ức. Anh vừa tiếc nuối vừa thấy hụt hẫng trong lòng.
Anh Nghĩa vào TPHCM học tập và lập nghiệp từ năm 18 tuổi. Hiện tại, anh đã có tổ ấm hạnh phúc, công việc ổn định và một căn nhà 3 tầng ở thành phố, tuy không quá rộng nhưng đủ để cả gia đình sinh hoạt.
Kể từ đó đến nay, số lần anh về quê thăm bố mẹ trong một năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người chị gái duy nhất của anh cũng lấy chồng xa hơn 1.000 cây số, có khi vài năm mới được về quê đón Tết một lần.
Bấy lâu nay, anh luôn muốn được đón bố mẹ ra thành phố sống để tiện bề chăm sóc, báo hiếu, ông bà cũng được ở gần con cháu mà không phải cô đơn nơi quê nhà.
Năm 2020, bố mẹ anh sau rất nhiều lần từ chối cũng đồng ý ra thành phố sống cùng con cháu. Nhưng sau vỏn vẹn 3 tháng, ông bà lại nằng nặc đòi về lại quê.
“Bố mẹ nói, họ vui khi thấy con cháu hiếu thuận, mỗi bữa cơm tối đều được quây quần bên gia đình. Thế nhưng, họ không có cách nào hòa nhập được với môi trường sống xô bồ, hối hả và chật hẹp này.
Mỗi ngày, bố mẹ chẳng có cách nào khác ngoài quanh quẩn trong 4 bức tường, mòn mỏi chờ con cái đi làm, đi học về để được sum vầy vào buổi tối. Họ nhớ khoảng trời rộng rãi và bình yên ở quê. Tôi dù ao ước được ở gần bố mẹ nhưng thấy vậy cũng chẳng đành lòng trói buộc họ nơi phố thị”, anh Nghĩa tâm sự.
Người lớn muốn có được không gian để sống đa thế hệ, vui vầy cùng con cháu. Ảnh: Minh Trang
Bởi vậy, không chỉ cái Tết này mà rất nhiều cái Tết trước đó, anh đều phải trải qua cảm giác hụt hẫng, nuối tiếc khi tạm biệt bố mẹ, trở lại thành phố làm việc.
Làm sao để có thể ở gần báo hiếu bố mẹ khi họ không muốn cùng con ra thành phố, con cái lại không thể “bỏ phố về quê” vừa là nỗi trăn trở vừa là bài toàn khó anh vẫn chưa tìm ra lời giải.
Khoảng cách thế hệ về nhu cầu môi trường sống
Nỗi lòng của anh Nghĩa cũng là sự trăn trở của rất nhiều người con ở độ tuổi trung niên. Khi có sự nghiệp ổn định, cuộc sống sung túc, con cái muốn được ở gần chăm sóc và báo hiếu bố mẹ.
Nhưng khoảng cách địa lý, sự khác biệt về lối sống... đã ngăn trở họ làm điều đó.
Khoảng cách thế hệ không chỉ là tuổi tác mà còn vì những nhu cầu về môi trường sống. Ông bà đã quen với cuộc sống đầm ấm ở quê với những khoảng trời rộng rãi, yên bình, những người làng xóm đầy tình nghĩa.
Người già mong được sống trong không gian rộng mở, được giao lưu cùng bạn bè. Ảnh: Minh Trang
Còn con cái ở nơi phố thị, đôi khi phải nỗ lực nửa đời người để mua được một căn hộ chung cư hoặc một căn nhà cao tầng trong con nhỏ ngõ. Phải là những người rất thành đạt mới có thể mua được căn nhà to, có sân vườn rộng rãi nhưng dù là vậy, họ vẫn chẳng thể mua được những người hàng xóm chan hòa và một không gian thân thuộc đã gắn bó với bố mẹ gần một đời người.
Con cái muốn phụng dưỡng bố mẹ, tiền là chưa đủ. Bởi vậy, làm sao để có thể tạo ra một không gian sống phù hợp với cả tuổi tác và nhu cầu về môi trường sống của các thế hệ vẫn là nỗi trăn trở của nhiều người.
Có một thực tế rằng, những người con ở tuổi trung niên vẫn luôn mơ về một ngôi nhà, một môi tường sống đủ gần để có thể phát triển sự nghiệp và đủ xa để tránh cuộc sống xô bồ, hối hả, có thể xây dựng không gian sống phù hợp với tất cả các thế hệ trong gia đình.
“Tôi thực sự mong mỗi ngày của mình đều là Tết để được sum vầy bên bố mẹ. Thế nhưng, với hoàn cảnh hiện tại, mong ước này vẫn còn rất lâu, rất xa... nữa mới trở thành hiện thực”, anh Nghĩa trầm buồn chia sẻ.
Bích Phương