Một trong những nỗi khổ lớn nhất của sinh viên mùa nồm là việc giặt quần áo. Dù đã phơi cả tuần, quần áo vẫn ẩm ướt, có mùi hôi khó chịu. Nhiều bạn phải tìm đủ mọi cách: bật quạt, dùng máy sấy tóc, hay thậm chí là trải nghiệm độc lạ – ủi từng chiếc áo bằng bàn là để đẩy nhanh quá trình làm khô.
Quần áo phơi mãi không khô trong mùa nồm bỗng trở thành “cơn ác mộng” đối với nhiều sinh viên.
Nguyễn Thị Quỳnh Anh, sinh viên năm 3, ngành Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Thủy lợi hài hước chia sẻ: “Mùa này, giặt đồ xong cũng như chưa giặt, vì phơi mãi vẫn ẩm. Lau nhà thì chẳng khác gì tập thể dục, vì phải lau đi lau lại mấy lần mới đỡ trơn. Nhưng mà nhờ vậy, mình cũng rút được kinh nghiệm: bật quạt hết công suất, dùng điều hòa chế độ hút ẩm và tốt nhất là mang quần áo ra tiệm giặt sấy cho nhanh!”
Nguyễn Thị Quỳnh Anh, sinh viên năm 3, ngành Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Thủy lợi.
Bên cạnh chuyện quần áo, nhiều sinh viên còn gặp rắc rối với sức khỏe. Nguyễn Phương Anh, sinh viên năm nhất, ngành Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng, than thở: “Mỗi lần bước vào phòng là có cảm giác như vừa đi mưa về, độ ẩm cao khiến mình khó chịu, thậm chí còn bị nghẹt mũi, khó thở khi ngủ. Nhưng thay vì để nó ảnh hưởng quá nhiều, mình thử đặt túi hút ẩm khắp phòng, giữ chăn gối luôn khô thoáng, vậy là ngủ ngon hơn hẳn.”
Nồm ẩm là nguyên nhân chính khiến đồ đạc trong phòng trở nên ẩm mốc. (Ảnh: Phạm Xuân Bách)
Tình huống “dở khóc dở cười” lại càng rõ hơn với Phạm Anh Thư, sinh viên Trường Đại học Công đoàn: “Hôm nay đi học, quần chưa kịp khô nên phải mặc nguyên chiếc quần ướt gấu. Nhưng mà thôi, đây cũng là một kiểu trải nghiệm độc đáo! Mùa nồm khiến mình dễ cảm cúm hơn, nhưng bù lại, mình cũng học được cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn, biết cách giữ gìn đồ đạc và phòng tránh nấm mốc hiệu quả.”
Anh Thư gặp phải tình huống đầy hài hước khi phải mặc nguyên chiếc quần ướt gấu đi học.
Mùa nồm có thể gây khó chịu, nhưng cũng nhờ đó mà sinh viên trở thành “chuyên gia chống ẩm” với đủ mọi mẹo hay ho. Phạm Xuân Bách, Trường Đại học Thủy Lợi, chia sẻ: “Nhiều người nghĩ mở cửa cho thoáng sẽ giảm ẩm, nhưng thực tế thì mình làm ngược lại: đóng kín cửa, lau sạch chỗ bị mốc trước, rồi bật điều hòa, quạt để đẩy hơi ẩm ra ngoài. Ngoài ra, khi đi đâu xa, mình luôn bỏ quần áo vào túi hút chân không, vừa gọn gàng vừa chống ẩm cực tốt. Thậm chí, mấy món điện tử cũng được bọc kỹ để tránh hỏng hóc.”
Xuân Bách hóa “chuyên gia chống ẩm” với nhiều mẹo hay ho trong mùa nồm.
Dù mùa nồm gây ra đủ rắc rối nhưng với nhiều sinh viên, đây cũng là một “đặc sản” khi sống xa nhà. Bách hào hứng nói: “Sinh viên sống trọ mà chưa trải qua mùa nồm thì chưa trọn vẹn đâu! Lần đầu vật lộn với thời tiết này ai cũng thấy khổ sở, nhưng rồi cũng thành thói quen. Không chừng còn là chuyện vui để sau này kể lại với bạn bè.”
Tình trạng ẩm mốc, quần áo ứ đọng tại một vài khu trọ.
Mùa nồm có thể gây ra không ít phiền toái nhưng với sinh viên sống xa nhà, đó cũng là một phần của cuộc sống tự lập. Thay vì chỉ than phiền, nhiều bạn trẻ đã học cách thích nghi, tìm ra giải pháp, thậm chí biến khó khăn trở thành trải nghiệm đáng nhớ. Giữa những ngày ẩm ướt đến phát bực, vẫn có những tiếng cười, những mẹo chống nồm được truyền tai nhau và cả những kỷ niệm không thể quên.
Thùy Trang Vũ – Nguyễn Hồng Anh