Nguy cơ núi Pha Kham tiếp tục sạt lở được đánh giá ở mức độ rất cao.
Đêm ngày 23/9 năm trước, mới đầu năm học mới, sau những ngày mưa dầm dề, núi Pha Kham lại cựa mình. Hàng trăm khối đất đá lăn xuống từ sườn cao, cuốn phăng hơn 30m tường rào, bể chứa nước và cả dãy nhà với 8 phòng vệ sinh của Trường THCS Sơn Hà. Âm thanh chát chúa phát ra từ vụ sạt lở đã khiến những hộ dân ở gần đó tỉnh giấc. Họ hốt hoảng hô hoán rồi nháo nhác bồng bế nhau chạy vội ra khỏi căn nhà vì ngọn núi có thể đổ sập trong đêm.
Nhưng rồi may mắn đã mỉm cười với họ thêm một lần nữa. Một khối đá to hơn cả ngôi nhà trong lúc lăn xuống từ sườn cao đã dừng lại ngay chân núi, cản lại những đất đá phía sau.
“Cho đến bây giờ tôi vẫn còn sợ. Tôi đang nằm ngủ, nhưng vụ sạt lở núi đã làm rung cả nhà cửa. Tôi vội hô hoán vợ con tức tốc chạy ra đường để thoát thân. Sau đó, nghe theo lời của cán bộ xã, huyện, gia đình tôi đã phải đi ở nhờ nhà người khác nhiều hôm để lánh nạn”, ông Vi Văn Piêng (60 tuổi), ở bản Hạ, ngay sát Trường THCS Sơn Hà kể lại vụ sạt lở trong vẻ mặt bàng hoàng.
May mắn đã không có sự việc đau lòng xảy ra. Nhưng nhìn vào khung cảnh ngổn ngang ngay dưới chân núi, Trường THCS Sơn Hà đã phải cho học sinh nghỉ học nhiều ngày sau, đến khi trời hửng nắng.
Quang cảnh đổ nát sau vụ sạt lở núi Pha Kham ngày 23/9/2024, phía sau Trường THCS Sơn Hà (Quan Sơn) vẫn còn lại.
Chỉ là một phần núi lở, nhưng chẳng ai dám chắc nó sẽ dừng hẳn trong những ngày mưa xối xả. Và học sinh các trường mầm non, tiểu học ở gần đó - nơi chân đỉnh Pha Kham cũng phải tạm dừng việc học, chờ ngày an toàn. Chỉ có những cán bộ, công chức ở công sở xã Sơn Hà ở lại. Họ huy động lực lượng, triển khai kịp thời phương án ứng phó với cơn thịnh nộ của núi. Những cọc tre được đánh dấu và cắm la liệt xuống lưng đồi, theo dõi tình trạng sạt lở.
Hôm tôi đến, dấu tích của vụ sạt lở đêm 23/9 vẫn còn đó, ngổn ngang đổ vỡ phía sau khu nhà bán trú Trường THCS Sơn Hà. Không có kinh phí để di chuyển hàng trăm khối đất đá ấy ra ngoài, thành ra, sau mỗi trận mưa lớn, khuôn viên ngôi trường lại nhầy nhụa bùn đất.
Thầy giáo Nguyễn Viết Năm, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hà cho biết: "Sau vụ sạt lở ngày hôm ấy, nhà trường đã sửa chữa, gia cố, làm 4 phòng vệ sinh ở khu nhà 2 tầng cho cả cán bộ, giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, do học sinh đông, nên những nhà vệ sinh này thường xuyên bị quá tải".
Núi Pha Kham vẫn ở đó, sừng sững và tít tắp. Ngay sát dưới chân là khu trung tâm hành chính của xã Sơn Hà và hàng trăm hộ dân cư ngụ. Do chẳng có nhiều mặt bằng, từ hàng trăm năm trước, những người Thái đã chọn nơi này sinh sống, nhờ dãy núi che chở. Nhưng khi mà những thân gỗ bị đốn hạ, cơn thịnh nộ của Pha Kham cũng đã bắt đầu. Và vụ sạt lở đêm 23/9/2024 chẳng phải là hi hữu.
Hơn 3 năm trước, trong mùa mưa năm 2022, sạt lở cũng diễn ra tại sườn núi tiếp giáp Trường Tiểu học Sơn Hà. May mắn không có thiệt hại về người, nhưng hàng trăm khối đất đá sạt lở cũng đã làm hư hại nhiều phòng học và các công trình phụ trợ của nhà trường. Năm 2021, sạt lở xảy ra, đất đá làm thủng tường, chảy đổ vào nhà văn hóa, trong khuôn viên công sở xã Sơn Hà.
Dù những người giàu sức tưởng tượng cũng khó hình dung sự tàn phá từ những cơn thịnh nộ của núi. Chỉ biết rằng, ở các vị trí sạt lở, đã có hàng dài bờ kè kiên cố bằng sắt, đá, bê tông cao hơn cả người đứng. Nhưng rồi nó đã bị núi xé toang. Những đoạn kè còn lại cũng đã bộc lộ nhiều vị trí nứt, sạt...
Giờ thì chẳng còn ai dám chắc sự an toàn dưới chân Pha Kham. Nhìn đống ngổn ngang đất đá, rồi hàm ếch trơ ra dưới chân, vết nứt trên sườn... không còn ai dám hy vọng vào sự bấu víu. Tử thần lơ lửng ở đó, phía trên những nóc nhà...
Quang cảnh đổ nát sau vụ sạt lở núi Pha Kham ngày 23/9/2024, phía sau Trường THCS Sơn Hà (Quan Sơn) vẫn còn lại.
Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, Lương Văn Cương bộc bạch: “3 trường học, công sở xã và 8 hộ dân với khoảng 600 người sinh sống, học tập, công tác ở chân núi Pha Kham. Chẳng mấy ai yên tâm khi trời mưa nhiều ngày. Từ năm 2021 đến nay, không năm nào không sạt lở. Vào mùa mưa bão, chúng tôi thường đánh dấu cọc tre, rồi cắm tại các vị trí có nguy cơ cao sạt lở và phân công lực lượng theo dõi chặt chẽ; đồng thời xây dựng phương án để chủ động, sẵn sàng ứng cứu người và tài sản khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, những giải pháp ấy cũng chỉ mang tính trước mắt, tạm thời; còn về lâu dài, cần phải di chuyển toàn bộ các trường học, công sở xã và các hộ dân thuộc diện nguy cơ cao đến nơi an toàn".
Trước nguy cơ thiên tai, ngày 23/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham tại bản Hạ, xã Sơn Hà. Quyết định giao UBND huyện Quan Sơn tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể về nguyên nhân, phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, hư hỏng cơ sở hạ tầng do sạt lở gây ra. Trên cơ sở đó, xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và ổn định lâu dài. Đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Quan Sơn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật...
Rất nhanh sau quyết định của tỉnh, UBND huyện Quan Sơn đã ban hành phương án ứng phó tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham. Một định hướng lớn của huyện Quan Sơn cũng đã được ra đời, là di chuyển công sở, trường học và nhà dân thuộc diện nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai ở bản Hạ, đến bản Làng cùng xã. Từ đây, người dân Sơn Hà đã có hy vọng về một ngày mới an toàn cho con em mình học tập và những cán bộ, giáo viên được yên tâm công tác.
Nhưng rồi, theo lời ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn: “Cho đến nay, tỉnh vẫn chưa có chủ trương để lập dự án, cấp vốn đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ việc di dời công sở, trường học và các hộ gia đình ở chân núi Pha Kham đến nơi an toàn”.
Họ vẫn ở lại đó, dưới chân Pha Kham, nơi tử thần lơ lửng phía trên đầu...
Theo Quyết định số 4224/QĐ-UBND ngày 23/10/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham tại bản Hạ, xã Sơn Hà: ngoài vị trí sạt lở đã xảy ra, phần mái dốc và taluy chân núi Pha Kham (phía sau cụm 3 công trình trường học và công sở xã) còn xuất hiện các vết nứt, các khối đá mồ côi/tảng lăn. Trước diễn biến bất thường, phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu, nguy cơ tiếp tục sạt lở tại khu vực trên là rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của 28 cán bộ, công chức, người lao động của UBND xã Sơn Hà; 60 cán bộ, giáo viên và 511 học sinh các cấp; 8 hộ dân với 35 nhân khẩu và các công trình, tài sản liên quan trong khu vực.
Đỗ Đức