Đến thời điểm hiện tại, ứng cử viên của phe đối lập là ông Lee Jae-myung, nguyên Chủ tịch đảng Dân chủ - đảng đối lập lớn nhất Hàn Quốc - vẫn đang dẫn đầu cuộc đua với tỷ lệ ủng hộ rất cao, cả trong đảng lẫn trong dư luận Hàn Quốc. Tiếp ngay sau là hai ứng cử viên thuộc đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền, gồm nguyên Bộ trưởng Lao động - Việc làm Kim Moon-soo và nguyên Thủ tướng Han Duck Soo. Tỷ lệ ủng hộ của ông Lee Jae-myung và hai ứng cử viên thuộc đảng cầm quyền vẫn đang duy trì một khoảng cách khá lớn.
Ứng cử viên Lee Jae-myung của phe đối lập lại phải đối mặt với các rủi ro pháp lý. (Ảnh: Yonhap News)
Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ cao cũng không phải là yếu tố chứng tỏ ông Lee đang có ưu thế tuyệt đối, thậm chí còn được coi là biến số khó đoán định, khi hôm 1/5 vừa qua, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Seoul và yêu cầu Tòa án Seoul xét xử lại vụ án liên quan đến ông Lee Jae-myung với cáo buộc “vi phạm luật bầu cử công chức”. Quyết định này của Tòa án tối cao Hàn Quốc đã mang lại những rủi ro về pháp lý cho ông Lee và đẩy ông Lee trở lại tình trạng “ngược gió”, khi thời điểm bỏ phiếu đang ngày một đến gần.
Trong khi đó, các ứng cử viên thuộc đảng cầm quyền cũng đang đối mặt với hàng loạt vấn đề. Một trong số đó là tỷ lệ ủng hộ của cử tri đang ở mức rất thấp. Vấn đề này lại làm nảy sinh một vấn đề khác, gây chia rẽ ngay trong nội bộ phe cầm quyền, với ý kiến cho rằng để tập trung được phiếu, cần “đơn nhất hóa” ứng cử viên, theo đó, sẽ chỉ có 1 ứng cử viên của phe cầm quyền tham gia tranh cử, còn các ứng viên khác sẽ phải rút lui trong trật tự. Hiện nay, xu thế này đang ngày một rõ nét trong nội bộ đảng Quyền lực nhân dân, khiến các ứng cử viên của đảng này một mặt phải đối phó với đối thủ Lee Jae-myung, mặt khác phải cạnh tranh với chính các đồng đội của mình.
Tiến trình “đơn nhất hóa” ứng cử viên của đảng cầm quyền cũng không hề dễ dàng, khi thời hạn đăng ký danh sách bầu cử, được ấn định vào ngày 10 và 11/5 tới, chỉ còn vẻn vẹn chưa đầy một tuần lễ, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, đảng cầm quyền phải giải quyết đồng thời nhiều vấn đề, để duy trì sự đoàn kết nội bộ và lấy lại vị thế sau cuộc khủng hoảng mang tên “thiết quân luật”. Trong bối cảnh đó, giới quan sát nhận định bầu cử Tổng thống Hàn Quốc lần này sẽ mang nhiều ẩn số và nhiều kịch tính nhất trong lịch sử chính trị Hiến pháp Hàn Quốc.
Tuấn Nhật/VOV-Tokyo