'Nóng' các vấn đề xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội

'Nóng' các vấn đề xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội
3 giờ trướcBài gốc
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá dự thảo luật; đồng thời cho rằng, ban soạn thảo đã kịp thời tiếp thu và chỉnh lý các ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.
Dự thảo Luật Tư pháp NCTN có 11 chương, 176 điều (tăng 3 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội). Dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung nhằm thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị có liên quan đến chính sách được thể hiện trong dự thảo luật.
Trong các nội dung của dự thảo luật, các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: quochoi.vn
* Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Phải áp dụng các quy định có lợi nhất cho người vị thanh niên phạm tội
Đối với việc viện kiểm sát hủy bỏ quyết định chuyển hướng của cơ quan điều tra, tại điểm b, khoản 4, Điều 56 dự thảo luật quy định: “Cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát có văn bản kèm theo hồ sơ vụ án đề nghị tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng”. Theo đó, nếu áp dụng biện pháp này trong giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra trực tiếp gửi văn bản và kèm theo hồ sơ vụ án đề nghị tòa án xem xét quyết định. Tôi cho rằng, quy định này chưa bảo đảm chặt chẽ; chưa đảm bảo vai trò trách nhiệm thực hành quyền công tố của viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.
Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét quy định này theo hướng cơ quan điều tra cần trao đổi thống nhất với viện kiểm sát để đề nghị tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã; cơ quan điều tra và viện kiểm sát trao đổi thống nhất khi áp dụng biện pháp chuyển hướng. Như vậy, sẽ không có việc viện kiểm sát hủy quyết định chuyển hướng của cơ quan điều tra, chỉ có cấp trên mới có quyền hủy quyết định chuyển hướng.
Tại Điều 60 dự thảo luật quy định mở phiên họp khi xem xét quyết định áp dụng biện pháp chuyển hướng trong giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố, tôi nhận thấy chưa phù hợp về nguyên tắc tổ chức cơ quan điều tra và nguyên tắc tổ chức hoạt động của viện kiểm sát.
Về quy định nếu vụ án liên quan đến bồi thường và xử lý vật chứng thì không thực hiện chuyển hướng ở giai đoạn điều tra và truy tố, tôi cho rằng là chưa phù hợp với nguyên tắc và sự cần thiết của dự thảo luật lần này. Nếu thấy đủ điều kiện cần phải thực hiện chuyển hướng để có lợi cho người chưa thành niên phạm tội trong cả giai đoạn điều tra lẫn truy tố. Bởi, nếu đưa vụ án sang tòa án xét xử sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em. Chúng ta phải áp dụng các quy định có lợi nhất cho người vị thanh niên phạm tội.
Đại biểu Lê Thanh Phong. Ảnh: quochoi.vn
* Đại biểu Lê Thanh Phong, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh: Các quy định cần tránh tạo ra xung đột mới
Theo dự thảo luật, về trình tự, thủ tục trong quá trình xử lý chuyển hướng, nếu có tranh chấp về tài sản, vấn đề tịch thu tách ra giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác theo như điểm y điều 57 dự thảo. Theo tôi, quy định này sẽ tạo thêm một vụ kiện mới và có thể dẫn đến xung đột mới khi xử lý chuyển hướng, làm tốn kém thời gian, không đảm bảo quyền lợi của người bị hại, người được bảo vệ.
Do vậy, cần chỉnh sửa, phải giải quyết trong cùng một lúc khi xem xét chuyển hướng và buộc gia đình, người giám hộ, xã hội có trách nhiệm cùng với người chưa thành niên phạm tội, xử lý, bồi thường trách nhiệm dân sự xử lý tài sản trước. Đây là một trong những điều kiện để xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở hình thức nào cho phù hợp và thể hiện thái độ thành khẩn hay không thành khẩn.
Để giải quyết việc này căn cơ thì khi có tranh chấp nên chuyển ngay cho tòa án xem xét giải quyết; cơ quan điều tra, viện kiểm sát chỉ xử lý áp dụng biện pháp chuyển hướng khi thỏa thuận được vấn đề tranh chấp.
Theo Điều 68 và 70 của dự thảo luật, viện kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định áp dụng xử lý chuyển hướng của cơ quan điều tra. Thế thì, nếu viện kiểm sát áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì cơ quan nào có quyền hủy bỏ của quyết định của viện kiểm sát. Tôi thấy vấn đề này có sự mâu thuẫn, chưa phù hợp với nguyên tắc là quyền lực Nhà nước thống nhất, có sự phân công rành mạch phối hợp và mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ. Theo tinh thần Nghị quyết 27, cơ quan viện kiểm sát nên chỉ có quyền kiến nghị cơ quan điều tra cấp trên xem xét hủy bỏ khi cơ quan điều tra áp dụng biện pháp xử lý không đúng.
Đại biểu Dương Văn Phước. Ảnh: quochoi.vn
* Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Cần bổ sung điều kiện được xử lý chuyển hướng
Tại Điều 3, dự thảo luật cần bổ sung quy định hình phạt theo hướng không áp dụng hình phạt đối với NCTN về hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội. Bởi, nhận thức của NCTN còn hạn chế, suy nghĩ bồng bột; việc bổ sung quy định này hợp lý, thể hiện tính nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.
Ở khoản 3, Điều 40, về điều kiện áp dụng biện pháp chuyển hướng, quy định: "NCTN đồng ý bằng văn bản về xử lý chuyển hướng" là chưa phù hợp, vì khoản 3, Điều 6 đã quy định "xử lý NCTN phải căn cứ vào hành vi phạm tội, nhân thân, nhận thức, tính chất nguy hiểm cho xã hội...". Hình phạt không nhằm mục đích trừng trị mà giáo dục răn đe, ngăn ngừa phạm tội.
Vì vậy nên cân nhắc loại bỏ quy định, việc xử lý chuyển hướng cần NCTN đồng ý bằng văn bản.
Tôi cũng đề nghị bổ sung điều kiện được xử lý chuyển hướng gồm: đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả; đã hòa giải; được người đại diện bị hại đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng...
LÊ THỌ
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/nong-cac-van-de-xu-ly-chuyen-huong-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-147275.html