Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại diễn đàn.
Ngày 24/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói".
Lắng nghe, giải đáp thắc mắc của nông dân
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.
"Tuy nhiên, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; cả về mặt khách quan và chủ quan như tính phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai; về tích tụ, tập trung đất đai; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức; về bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản suất nông nghiệp, về rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, biến đổi khí hậu", ông Lương Quốc Đoàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, việc thay đổi liên tục các quy định về cấp chứng nhận đất trang trại đã khiến nhiều hộ nông dân rơi vào tình trạng khó khăn.
Cụ thể, dù đã hoàn thành thủ tục dồn điền đổi thửa theo thông tư cũ, nhưng do thiếu hướng dẫn cụ thể cho thông tư mới, các chủ trang trại đang gặp phải rào cản lớn trong việc xin cấp lại giấy chứng nhận. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà còn cản trở sự phát triển của ngành nông nghiệp tại địa phương.
Trả lời câu hỏi trên, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Liên quan đến trang trại, Luật không khống chế hạn mức, sử dụng bao nhiêu, cấp có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận. Việc cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 142 của Luật đất đai, khi trang trại đang sử dụng đất có nhu cầu cấp giấy chứng nhận, rà soát... xây dựng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo Thông tư số 10 năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng theo ông Đào Trung Chính: Trong phương án bồi thường phải giải quyết kỹ thuật đầu tiên, đây là nguyên tắc. Đây có thể là khu vực hẻo lánh, không thể trồng lúa thì địa phương phải có công bố chuyển đổi quy hoạch sang mục đích khác. Địa phương họ băn khoăn là họ phải bảo vệ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia theo chỉ tiêu phân bổ. Chúng tôi đề nghị địa phương là phải quy hoạch theo điều kiện thực tế.
Trả lời đại biểu Nguyễn Mạnh Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên về vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các làng nghề, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định rõ ràng về trách nhiệm xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bao gồm cả các làng nghề. Tuy nhiên, việc thực hiện tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế do số lượng làng nghề lớn và đa dạng.
Ông Thức nhấn mạnh, các địa phương đang tích cực khuyến khích các hộ kinh doanh làng nghề đầu tư hệ thống xử lý chất thải, đặc biệt là đối với các làng nghề có khả năng gây ô nhiễm cao. Chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển vào khu công nghiệp để được hưởng các dịch vụ xử lý chất thải tập trung cũng đang được áp dụng và mang lại hiệu quả nhất định
Cơ quan quản lý cần siết chặt đấu giá đất
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã mở ra nhiều cơ hội mới nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Một trong những lo ngại lớn nhất được luật sư Hà nêu ra là khả năng lợi dụng chính sách để thu gom đất nông nghiệp quy mô lớn. Khi luật cho phép các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được mua đất, điều này có thể tạo điều kiện cho việc đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao và làm mất cân bằng thị trường.
"Việc mua đất nông nghiệp giá rẻ với mục đích chuyển đổi thành đất ở có giá trị cao hơn là một rủi ro lớn. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và tạo ra những hệ lụy phức tạp về môi trường", luật sư Hà chia sẻ.
Để hạn chế những rủi ro này, luật sư Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống quản lý và giám sát chặt chẽ đối với thị trường bất động sản nông nghiệp. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả và bền vững.
Theo ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6, Luật Đất đai 2024 mang đến nhiều lợi ích đáng kể cho cả doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là những người sở hữu đất nông nghiệp. Một trong những điểm sáng của Luật Đất đai 2024 là việc mở rộng quyền lựa chọn cho người dân bị thu hồi đất, từ việc nhận đất tái định cư sang nhận tiền bồi thường. Bên cạnh đó, chế độ đền bù cũng được cải thiện đáng kể với nhiều chính sách hỗ trợ về di chuyển, việc làm và đời sống.
Đối với doanh nghiệp, quy định thí điểm cho phép thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để làm nhà ở thương mại được đánh giá là một bước đi tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, ông Quê cũng nhấn mạnh rằng, để chính sách này phát huy hiệu quả, cần có những quy định cụ thể về khung giá thỏa thuận để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và Nhà nước.
Liên quan đến tình trạng giá đất cao bất thường sau một số phiên đấu giá đất vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp để khắc phục và chấn chỉnh các hoạt động đấu giá đất, xử lý nghiêm đối với các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để thổi giá trục lợi.
Hải Yến