HTX lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tôm sinh thái ở Cà Mau. Với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, HTX đã mang lại lợi ích lớn cho thành viên, nông dân liên kết.
Ấn tượng từ HTX
Để nâng cao hiệu quả, những năm qua, HTX Trí Lực triển khai mô hình canh tác luân canh lúa - tôm sinh thái, tận dụng điều kiện tự nhiên của vùng đất nhiễm mặn để sản xuất theo hướng hữu cơ.
Trong mùa mưa, thành viên HTX canh tác lúa ST24 và ST25 – hai giống lúa chất lượng cao, chịu mặn tốt, đạt chuẩn xuất khẩu. Khi mùa khô đến, các hộ chuyển sang nuôi tôm sú hoặc tôm càng xanh trong ruộng lúa, tạo nên sự cộng sinh tự nhiên giữa cây lúa và con tôm.
Mô hình luân canh lúa - tôm sinh thái không chỉ giúp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, mà còn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, hệ sinh thái tôm - lúa giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm thiểu dịch bệnh và nâng cao năng suất.
Mô hình lúa tôm mang lại thu nhập cao cho HTX, nông dân Cà Mau.
Nhờ hướng đi đúng, HTX Trí Lực hiện có hàng trăm thành viên và hộ nông dân liên kết, với diện tích sản xuất lên đến hàng trăm ha. Nhờ mô hình sản xuất bền vững, thu nhập của các thành viên HTX đã được cải thiện đáng kể. Trung bình, mỗi ha lúa - tôm mang lại lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với mô hình canh tác truyền thống.
Bên cạnh đó, HTX cũng tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, từ khâu chăm sóc lúa, nuôi tôm đến thu hoạch và chế biến sản phẩm. Nhờ vậy, hàng trăm lao động trong khu vực có thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Không chỉ tập trung vào sản xuất, HTX còn chú trọng xây dựng thương hiệu. Sản phẩm gạo hữu cơ từ mô hình lúa - tôm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. HTX cũng đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Giá trị của liên kết
Tương tự, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm) cũng là điển hình trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, thúc đẩy giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
HTX Ông Muộn hiện tập trung vào sản xuất lúa hữu cơ với quy trình canh tác khép kín, không sử dụng hóa chất nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nông sản. HTX cũng lựa chọn các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, qua đó đảm bảo đầu ra, hướng tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc HTX, cho biết HTX hiện có tổng diện tích sản xuất trên 172 ha, trong đó liên kết với các hộ sản xuất 90 ha lúa VietGAP, 50 ha lúa hữu cơ. “HTX đang định hướng liên kết với các HTX trong tỉnh như HTX Thới Bình, HTX Lợi An... để mở rộng thêm vùng nguyên liệu, đáp ứng cho mở rộng thị trường”, ông Tiếp nói.
Có thể nói, sự tham gia tích cực của các HTX trong sản xuất tôm sinh thái và lúa hữu cơ ở Cà Mau đang tạo ra những lợi ích tuyệt vời về môi trường, đồng thời đóng góp đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho thành viên, nông dân, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế các địa phương.
Sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác hiện tại là kết quả của hàng loạt chính sách hỗ trợ từ ban ngành tỉnh, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX tỉnh Cà Mau và Liên minh HTX Việt Nam.
Các HTX, tổ hợp tác đang đóng vai trò đầu tàu trong nâng cao giá trị sản xuất lúa tôm ở Cà Mau.
Điển hình, về đào tạo và nâng cao năng lực, trong những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam, cùng Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, đã tổ chức đào tạo cho hơn 6.400 lượt thành viên HTX, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Các khóa đào tạo tập trung vào lĩnh vực hoạt động của HTX, chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, giúp đội ngũ quản lý HTX nâng cao kỹ năng và kiến thức cần thiết.
Về xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Điều này góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm của các HTX.
Nhân rộng các điển hình
Cùng với đó, về vấn đề tư vấn và hỗ trợ pháp lý, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các HTX về pháp lý, giúp giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoạt động, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các thành viên.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh còn đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ HTX tiếp cận các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc và chuyển giao công nghệ. Điều này giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Những chính sách trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của các HTX tại Cà Mau. Tính đến ngày 31/12/2024, trên địa bàn tỉnh có 335 HTX với 6.267 thành viên, 2 Liên hiêp HTX đang hoạt động với 10 HTX thành viên và 257 lao động.
Doanh thu bình quân 1 HTX đạt 1 tỷ đồng/năm và lãi bình quân 340 triệu đồng/năm/HTX. Đặc biệt, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 48 triệu đồng/năm. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 991 tổ hợp tác với tổng số tổ viên 14.865 người, lãi bình quân 160 triệu đồng/năm.
Với hoạt động hiệu quả, khu vực kinh tế hợp tác, HTX có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, các HTX đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP. Hoạt động của HTX tạo được sự đoàn kết, tính năng động, chủ động trong sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích chung cho các thành viên.
Ông Nguyễn Minh Chí, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho hay thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX tiếp cận với các chính sách ưu đãi để phát triển như: đào tạo, đất đai, khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học cao đẳng về làm việc tại các HTX... Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, HTX, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân.
An Chi