Theo bà con nông dân địa phương, sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất tôm vào tháng 11.2024, người dân bắt đầu cải tạo lại vuông nuôi như sên vét, thuốc cá, xử lý môi trường đáy ao, bơm nước vào vuông nuôi... sau đó tiến hành thả giống. Thời điểm hiện nay, bà con đang thu hoạch vụ tôm đầu tiên của năm 2025.
Nông dân Cà Mau trúng mùa tôm sau vụ thu hoạch lúa
Từ tờ mờ sáng, ông Trần Văn Hoàng (68 tuổi), ngụ xã Lý Văn Lâm đã lật đật xách xô ra đồng thăm lú (dụng cụ dùng để bắt tôm của nông dân). Ông Hoàng nói đi thăm sớm để kịp giờ bán cho thương lái và tránh tình trạng tôm cua bị ngộp chết do thiếu ô-xy. “Tôm cua thường đi vào con nước, chứ bình thường chúng không đi mình có đặt lú chúng cũng chẳng vào đâu, có chăng cũng rất ít. Mỗi tháng có 2 con nước, đó là ngày rằm và 30 âm lịch hằng tháng, mỗi con nước kéo dài từ 5 - 7 ngày. Đây là thời điểm thích hợp để bà con đặt lú thu hoạch tôm”, ông Hoàng cho biết.
Theo ông Hoàng, mặc dù chỉ với 4 công đất nhưng ở con nước vừa rồi ông thu hoạch tôm cua bán được khoảng 5 triệu đồng. Đây là con nước bội thu của ông Hoàng có được từ trước tới nay. “Bình thường, mỗi con nước bán tôm cua được tầm 1 – 2 triệu đồng là mừng rồi. Nhưng với vụ mùa này thì thật sự rất phấn khởi. Không riêng gì tôi, mà cả xóm ở đây ai cũng trúng vụ tôm đầu năm 2025. Người nào nhiều đất thì có tiền nhiều, có người thu hoạch vài chục triệu đồng/"con nước" nên cả xóm đều vui”, ông Hoàng cho hay.
Trên cánh đồng này, từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa cho tới nay đã trên 15 năm, cũng từng ấy thời gian bà con nông dân địa phương đã chung thành tuyệt đối với mô hình này. Theo lịch thời vụ, từ tháng 1 – 6 hằng năm, bà con ở đây chỉ nuôi thủy sản; đến đầu tháng 7 – đây là thời điểm mưa nhiều, bà con bắt đầu tháo nước để rửa mặn, sau đó đó tiến hành gieo sạ lúa. Trong thời gian này, mặc dù trồng lúa nhưng bà con vẫn kết hợp nuôi thủy sản và thu hoạch xuyên suốt trong thời gian trồng lúa. Nhờ mô hình này, năm nào bà con nông dân nơi đây cũng trúng mùa lúa – tôm.
Người dân thăm lú bắt tôm cua
Ông Trần Thanh Phong, nhà ở huyện Cái Nước nhưng đất canh tác của ông lại ở xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau. Mỗi khi vào vụ thu hoạch tôm, ông Phong luôn túc trực ở chòi vuông để canh giữ. Với hơn 1ha đất nuôi tôm, con nước vừa rồi, ông Phong thu hoạch hơn 20 triệu đồng. Có tiền, ông Phong bắt đầu “tái đầu tư” bằng cách thả nối con giống để đảm bảo thu hoạch liên tục. “Bình thường sau khi xuống giống quân bình từ 3 tháng trở lên mới thu hoạch được, riêng vụ mùa này tôm khỏe mạnh, lớn nhanh nên mới hơn 2 tháng, tôm nuôi đã đạt kích cỡ thu hoạch từ 28 – 30 con/kg. Năm nay, thời tiết không quá gay gắt như mọi năm, cùng với đó tôm có được nguồn thức ăn tự nhiên từ phần gốc rạ còn sót lại sau vụ thu hoạch lúa nên sinh trưởng, phát triển tốt và lớn nhanh hơn thường niên. Độ mặn trong vuông nuôi là rất quan trọng, nếu vượt ngưỡng tôm sẽ rất chậm lớn. Năm nay, xứ này ai cũng “vô mánh” vì có được vụ mùa bội thu” ông Phong nói.
“Vô mánh” là từ của bà con miền Tây Nam Bộ dùng để chỉ việc trúng mùa. Lâu dần thành quen thuộc, là câu nói cửa miệng của nhiều người dân bản địa. “Mùa tôm năm nay bà con ai cũng vui nên vào con nước là ngoài đồng đều rôm rả tiếng cười nói, sau khi đặt lú xong, có người mời gọi nhau lại chòi canh nhóm lửa nấu nước pha trà rồi ngồi kể cho nhau nghe về chuyện con tôm, cây lúa. Rồi họ chia sẻ kinh nghiệm cho nhau về cách nuôi tôm, cách chống lại dịch bệnh trên thủy sản để cùng nhau phát triển. Nói chung, nghề nông cũng có nhiều chuyện thú vị lắm”, ông Phong cho biết.
Trò chuyện một lúc lâu, ông Phong đứng dậy nhìn đồng hồ rồi bảo: “Tới giờ rồi, thôi vào trong xóm bán tôm kẻo trễ”. Nói xong, ông xách thùng tôm nặng kịch lên, từ giã mọi người rồi đi vào trong xóm – nơi có thương lái đang chờ thu mua tôm.
Cảnh thu hoạch tôm ở Cà Mau
Giá tôm nguyên liệu hiện nay được thương lái thu mua ở mức ổn định. Cụ thể, tôm từ 30 con/kg có giá thu mua khoảng 180.000 đồng; loại 40 con/kg là 150.000 đồng; loại 20 con/kg khoảng 250.000 đồng. Đặc biệt, tôm sống có giá cao hơn khoảng từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, tùy loại.
Anh Đinh Hải Đăng, kỹ sư thủy sản đang công tác tại Cà Mau cho biết, vụ tôm đầu năm 2025 trên vùng đất lúa tôm ở Cà Mau hầu như bà con nông dân ai cũng trúng mùa. Bởi sau khi thu hoạch lúa, nguồn thức ăn dồi dào từ gốc rạ giúp cho vật nuôi mau lớn. Đồng thời, thời tiết năm nay dịu mát hơn so với thường niên, đó là nguyên nhân không làm tăng độ mặn nên rất thích hợp để vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt và ít bị mầm bệnh gây hại.
Trần Khải