Nông dân Cẩm Giàng liên kết để sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Nông dân Cẩm Giàng liên kết để sản xuất nông nghiệp hiệu quả
10 giờ trướcBài gốc
Chuỗi giết mổ gia cầm của Công ty TNHH Chicken P.T cung cấp thực phẩm sạch cho các bếp ăn tập thể
Nông dân gắn bó
Gần chục năm nay, anh Nguyễn Văn Bấc ở thôn Địch Tràng là thành viên quen thuộc trong chuỗi liên kết trồng ngô ngọt ở xã Đức Chính. Để một mô hình sản xuất có thể gắn bó với nông dân nhiều năm như vậy thì liên kết chính là chìa khóa.
Anh Nguyễn Văn Bấc cho biết: "Những năm đầu tiên mới liên kết, công ty hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm bón ngô ngọt. Nhưng nay, công ty chỉ còn hỗ trợ giống. Quy trình chăm bón được nông dân thực hiện thành thạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi sào ngô, trừ chi phí, chúng tôi thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng. Có lúc, lợi nhuận trong mô hình chưa cao bằng thị trường nhưng luôn ổn định đầu ra. Chúng tôi không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm".
Mô hình liên kết trồng ngô ngọt ở xã Đức Chính giúp nông dân yên tâm sản xuất
Vụ xuân hè năm nay, xã Đức Chính có khoảng 40 ha ngô ngọt được Công ty CP Chế biến nông sản Hải Dương bao tiêu. Ngô ngọt chỉ là một trong những mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp tại địa phương. Ngoài ngô ngọt, xã Đức Chính còn nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cây cà rốt, ớt, dưa hấu, dưa lê, rau Hàn Quốc... Các mô hình đều cho giá trị kinh tế ổn định nên nông dân yên tâm gắn bó. Trong đó, có nhiều mô hình liên kết do các cá nhân tự đứng ra đảm nhận.
Sản phẩm trứng gà Cẩm Đông đạt chứng nhận OCOP 4 sao
Nói đến liên kết sản xuất nông nghiệp ở Cẩm Giàng thì không thể không nhắc đến mô hình sản xuất trứng gà thương phẩm ở xã Cẩm Đông. Thay vì mạnh ai nấy làm như trước, các hộ đã liên kết tạo thành chuỗi gồm 20 thành viên. Từ đó, Hiệp hội Chăn nuôi gà trứng thương phẩm Cẩm Đông cũng được hình thành. Để bảo đảm chăn nuôi an toàn cũng như tiêu thụ hết sản phẩm cho các thành viên, hiệp hội đã xây dựng phương án sản xuất, gắn kết với doanh nghiệp nhằm sản phẩm có đầu ra ổn định, chất lượng. Năm 2021, trứng gà Cẩm Đông được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Để sản phẩm trứng gà đạt chất lượng, hiệp hội đưa ra tiêu chuẩn chăn nuôi và áp dụng cho tất cả các trang trại trong chuỗi. Nhờ chất lượng trứng tốt, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nên sản phẩm trứng gà của hiệp hội được người tiêu dùng đánh giá cao. Nguồn hàng ổn định, hợp đồng rõ ràng nên giá bán trứng của các thành viên cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/quả, tùy từng thời điểm. Nông dân vì thế cũng yên tâm gắn bó với chuỗi liên kết, nguồn cung ra thị trường cũng luôn ổn định.
Sản phẩm an toàn, chất lượng
Công ty TNHH Chicken P.T giết mổ gia cầm ở các trang trại có liên kết chăn nuôi
Công ty TNHH Chicken P.T ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) là một trong số ít cơ sở giết mổ cơ bản đáp ứng các điều kiện về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong tỉnh. Cơ sở cung cấp chuỗi chăn nuôi và giết mổ khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Chị Nguyễn Thị Tuyền, quản lý cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty TNHH Chicken P.T cho biết, mô hình giết mổ được hỗ trợ đầu tư xây dựng năm 2016 từ Dự án LIFSAP với công suất giết mổ 3 - 5 tấn/ngày. 2 trang trại nuôi gia cầm liên kết được hỗ trợ cung cấp giống, thức ăn và cam kết nuôi theo quy trình của công ty. Gia cầm tại các trang trại này được giết mổ, sơ chế, cấp đông và vận chuyển đến các bếp ăn tập thể trong tỉnh. Chính vì vậy, nguồn thực phẩm luôn bảo đảm an toàn và chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Đào Hữu Thuận, Hội trưởng Hiệp hội Chăn nuôi gà trứng thương phẩm Cẩm Đông, hiệp hội chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài tiêu thụ sản phẩm, hiệp hội còn hỗ trợ các thành viên kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Do đó, trang trại của các thành viên trong chuỗi chăn nuôi đều bảo đảm an toàn, không có dịch bệnh gây thiệt hại cho đàn gia cầm.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cẩm Giàng, ngành nông nghiệp của huyện đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất theo hướng liên kết được hình thành và duy trì ổn định qua nhiều năm. Ban đầu, các chuỗi liên kết đều có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sau thời gian, các chuỗi liên kết trở nên gắn bó, hoạt động ổn định và không cần đến sự hỗ trợ. Các chuỗi liên kết giá trị giúp mang lại lợi nhuận ổn định cho nông dân và cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, an toàn.
Không giống nhiều địa phương khác trong tỉnh, những năm gần đây ngành nông nghiệp của huyện Cẩm Giàng nổi bật với nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được nhiều tổ chức, cá nhân cùng áp dụng. Thay vì sản xuất riêng lẻ, các hộ nông dân đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Việc hình thành chuỗi liên kết giúp họ dễ dàng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, kiểm soát tốt quy trình sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Hợp tác trong sản xuất còn giúp nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ và bảo đảm thu nhập ổn định cho người dân. Đây chính là hướng đi bền vững góp phần phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
TH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/nong-dan-cam-giang-lien-ket-de-san-xuat-nong-nghiep-hieu-qua-410846.html