Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để phát huy tiềm năng đất đai, lao động theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và “chung sống với lũ”, các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) như: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, thị xã Cai Lậy khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng rau màu ở những địa bàn khó khăn thông qua các mô hình phù hợp và hiệu quả: chuyên canh màu, luân canh 1 vụ màu trong mùa lũ kết hợp 2 vụ lúa/năm… giúp nâng cao thu nhập cho nông dân vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị tham gia thị trường.
Theo đó, toàn vùng đã mở rộng diện tích trồng rau màu các loại theo định hướng “chung sống với lũ” lên gần 4.000 ha. Trong năm 2024, nông dân địa phương đã thu hoạch đạt sản lượng mỗi năm hàng trăm ngàn tấn rau màu các loại cung ứng thị trường trong ngoài tỉnh.
Nông dân thu hoạch rau màu ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Thực tế cho thấy, với vòng quay từ 8 – 10 vòng/năm, trung bình mỗi năm, nông dân trồng rau màu tại các địa bàn ngập lũ phía Tây tỉnh đạt lợi nhuận từ 120 - 150 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ trồng rau màu, nhiều hộ nông dân đã vượt khó, thoát nghèo và tạo dựng cơ nghiệp vững bền.
Bởi hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi sản xuất vùng ngập lũ, rau màu đang dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế, thiết thực mở ra hướng phát triển bền vững tại những địa bàn canh tác khó khăn, thường xuyên đối mặt thiên tai, lũ lụt hàng năm phía Tây tỉnh Tiền Giang.
Huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) là địa phương tiên phong chuyển đổi sản xuất, phát triển cây màu ở những địa bàn khó khăn nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nhẹ thiên tai.
Những xã đi tiên phong trong phát triển cây màu thực phẩm trên vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười khi xưa là Tân Hòa Thành, Tân Hòa Tây, Thạnh Mỹ, Phú Mỹ… Đặc biệt, Tân Phước duy trì vùng trồng dưa hấu khoảng 300 ha cho sản lượng mỗi năm gần 6.800 tấn và vùng trồng khoai mỡ chuyên canh trên 500 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Điển hình như chị Mai Thanh Châu, sinh năm 1980, nông dân xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười đã chuyển 4 ha đất trồng lúa sang áp dụng mô hình trồng sen kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt trên ruộng lúa.
Chị Châu cho biết, sen có ưu điểm cho thu hoạch ngó gần như quanh năm, thích hợp thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười. Với giá ngó sen bình quân 30.000 đồng/kg, mỗi năm chị bán thu 300 triệu đồng. Còn tính chung các nguồn lợi từ ngó sen, thủy sản trong mô hình thu hoạch được, mỗi năm chị thu khoảng 750 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 550 triệu đồng. Chị Mai Thanh Châu được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen nhiều năm liền về thành tích nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang.
Theo gương chị, riêng xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước đã mở rộng diện tích trồng sen lấy ngó hoặc lấy gương sen trên ruộng lúa lên hàng trăm ha, trở thành một trong những nơi cung ứng ngó sen và sản phẩm từ cây sen Đồng Tháp Mười cho thị trường lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Còn nông dân Nguyễn Thành Hiển vào lập nghiệp tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước chọn mô hình đa dạng hóa cây trồng trên nền đất lúa, chủ lực là lúa, dứa, khoai mỡ. Hiện, ông sở hữu 3 ha dứa, 5 ha khoai mỡ, 1 ha lúa năng suất cao. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, còn lợi nhuận ròng trên 1,1 tỷ đồng.
Chị Mai Thanh Châu, ông Nguyễn Thành Hiển là những tỷ phú tiêu biểu vùng Đồng Tháp Mười vươn lên lập thân, lập nghiệp nhờ sự cần cù, chịu khó và nhạy bén trước thời cơ chuyển đổi cây màu “chung sống với lũ” trên địa bàn khó khăn.
Đồng thời, trong nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh cho nông dân, Tân Phước đang triển khai mô hình “Sản xuất khoai mỡ theo hướng an toàn” tại vùng chuyên canh khoai mỡ xã Phú Mỹ, diện tích mô hình khoảng 1,5 ha cũng như khuyến khích bà con đưa những tiến bộ mới vào trồng rau màu “chung sống với lũ” như trồng rau an toàn, trồng khoai mỡ leo giàn, lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước…
Các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy chú trọng cây màu thực phẩm với những sản phẩm chủ lực như: các loại rau ăn quả, rau ăn lá, rau gia vị… Các xã vành đai rau xanh quanh thị xã Cai Lậy như: Nhị Mỹ, Tân Hội, phường 4 còn chọn đưa huệ trắng vào luân canh dưới chân ruộng theo mô hình lúa + huệ cũng mở ra hướng mới mang lại hiệu quả trong việc đa dạng cây trồng trên nền đất lúa.
Được sự tập huấn, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nông dân các huyện, thị vùng ngập lũ quan tâm đầu tư khoa học công nghệ vào trồng rau màu, tuyển chọn giống tốt, sạch bệnh, trồng rau theo ngưỡng an toàn…
Ước tính, tại các huyện, thị vùng ngập lũ phía Tây có trên 75% diện tích rau màu lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, hàng trăm nhà màng với diện tích bình quân từ 500 m2 đến 1.000 m3/ nhà màng trồng rau an toàn chuyên trồng dưa lưới, rau ăn quả, rau thủy canh với chế độ nước và dinh dưỡng hồi lưu...
Nguyễn Minh Trí/TTXVN