Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực quan trọng giúp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
Không còn lo lắng tưới nước bao nhiêu là đủ, bón phân vào giai đoạn nào, hay những ngày bận rộn không thể ra thăm vườn, ông Lê Văn Thành ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk giờ đây hoàn toàn yên tâm vì toàn bộ chỉ số về độ ẩm, nhu cầu nước tưới, lịch canh tác... đều được hệ thống cảm biến thông minh ghi nhận và cảnh báo trực tiếp qua điện thoại.
Ông Lê Văn Thành chia sẻ, từ lúc có thể giám sát độ ẩm và ra lệnh tưới từ xa, vườn sầu riêng hơn 3 hec ta của ông vẫn luôn xanh tốt, dù thời tiết không thuận lợi.
“Có công nghệ này người dân dễ làm hơn, có ứng dụng này mình biết được trong đất mình thiếu gì, mình nên bỏ phân gì, nước có đủ hay không để canh tác phù hợp hơn” - ông Thành cho biết.
Một vườn sầu riêng lắp đặt hệ thống cảm biến thông minh, phục vụ tưới nước và bón phân tự động.
Còn bà Hroda Ayun ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc cho biết, khi yêu cầu về năng suất và chất lượng ngày càng cao, nông dân buộc phải thay đổi để thích ứng. Gia đình bà đã dần chuyển đổi từ canh tác cà phê truyền thống sang canh tác cà phê thông minh. Các khâu sản xuất được tự động hóa như: hệ thống tưới nước nhỏ giọt, bón phân tự động, hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời…đã giúp bà bớt công chăm sóc, giảm lượng nước tưới, phân bón, vật tư đầu vào.
Theo bà Hroda Ayun, dù chi phí lắp đặt ban ban đầu khá cao, nhưng kết quả mang lại hoàn toàn xứng đáng, nhất là trong xu hướng đòi hỏi sản xuất xanh – tiêu dùng xanh hiện nay.
“Canh tác cà phê thông minh không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn bảo vệ đất, nguồn nước và môi trường sinh thái. Người dân vẫn đạt năng suất cao mà còn bảo vệ được sức khỏe của mình và cộng đồng" - bà Hroda Ayun bày tỏ.
Ở quy mô lớn hơn, HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng công nghệ số vào nhiều diện tích trong số hơn 200 hec-ta sầu riêng Vietgap của xã viên.
Ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho hay, việc liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ số không chỉ nâng giá trị sản phẩm mà còn tạo ra giá trị mới cho sản phẩm sầu riêng từ việc minh bạch hóa các khâu sản xuất. Tới đây, Hợp tác xã sẽ thực hiện gắn mã QR cho từng vườn để quản lý trên nền tảng số, giúp truy xuất nguồn gốc, định vị và cá nhân hóa từng cây sầu riêng. Qua đó, vừa tăng độ tin cậy với người tiêu dùng, vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo ông Thọ: “Kỹ thuật số giúp mọi thông tin trở nên minh bạch. Mỗi vườn, mỗi cây đều có tên riêng, truy xuất được lịch sử chăm sóc, thời gian trồng... Người tiêu dùng dễ dàng phân biệt sản phẩm đạt chuẩn hay không. Các cơ quan quản lý cũng dễ giám sát hơn".
Ngày càng nhiều vườn sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk được gắn mã QR.
Nông nghiệp hiện vẫn là lĩnh vực chủ lực trong cơ cấu kinh tế Đắk Lắk, chiếm khoảng 35% GRDP. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhiều nông dân đã tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và giám sát quy trình sản xuất. Đối với hoạt động kinh doanh, nhiều sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng xã hội để quảng bá, giới thiệu, bán trực tuyến.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian tới, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tỉnh đang triển khai các đề án hỗ trợ, trong đó có áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng gắn với mã vạch, ứng dụng công nghệ số. Từ đó giúp cho giá trị thương hiệu sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk càng ngày nâng tầm, cũng như đạt được giá trị, mang lại lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp”.
Chuyển đổi số đang dần khẳng định vai trò then chốt trong việc nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn ở Đắk Lắk. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ là yếu tố quyết định để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và hội nhập sâu rộng.
Hương Lý/VOV-Tây Nguyên