Nông dân Đồng Tháp canh tác lúa theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính

Nông dân Đồng Tháp canh tác lúa theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính
3 ngày trướcBài gốc
Ở những vùng trồng lúa trọng điểm của Đồng Tháp người dân đang hào hứng khi áp dụng quy trình canh tác theo đề án, sử dụng giống, phân bón hợp lý, xử lý rơm rạ sau thu hoạch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của địa phương.
Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã từng bước khẳng định tính đúng đắn, cần thiết và bước đầu mang lại những kết quả ấn tượng trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tại nhiều địa phương đã nhân rộng Đề án, đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và bảo vệ môi trường.
Tại tổ hợp tác Mỹ Nam 2, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười có 66 hộ tham gia mô hình canh tác lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh với diện tích trên 100 hecta. Với sự hướng dẫn của ngành chức năng các thành viên trong tổ hợp tác đã áp dụng đúng quy trình canh tác, sử dụng duy nhất 1 loại giống cho cả cánh đồng, lượng giống gieo sạ giảm gần 50%, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, thực hành canh tác ngập khô xen kẽ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, thành viên tổ hợp tác cho biết, canh tác theo quy trình của đề án người dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, năng suất, chất lượng lúa tăng so với canh tác truyền thống. Điều quan trọng đề án đã nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác nông nghiệp.
Nông dân ở Đồng Tháp hào hứng khi canh tác lúa theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính
Canh tác theo phương thức mới, giảm được chi phí từ giống, thuốc, phân, công lao động. Cùng với đó, thói quen trong sản xuất lúa gạo của bà con nông dân đã dần thay đổi theo hướng tăng giá trị, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Ông Bùi Phước Thành, thành viên tổ hợp tác chia sẻ, khi mới tham gia đề án nhiều người còn hoài nghi về tính hiệu quả nhưng qua mùa vụ đã khẳng định tính hiệu quả, khả thi của đề án, đây là hướng đi đúng đắn cho ngành lúa gạo.
“Lúc đầu cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng càng tham gia mô hình thì càng có nhiều cái hay để mình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Mô hình này buộc bà con ghi chép nhật ký đồng ruộng, để cập nhật chi phí sản xuất, chi phí lợi nhuận để có lãi. Được cán bộ hỗ trợ, Phát hiện sâu bệnh mới phun thuốc chứ không như ngày xưa phun định kỳ một tuần phun 1 đợt”, ông Thành nói.
Ông Bùi Thanh Tuấn, Tổ trưởng tổ hợp tác cho hay, các thành viên trong tổ hợp tác luôn theo dõi sự phát triển của cây lúa hàng ngày, hàng tuần và đến giờ đây thành quả vượt mong đợi. Hiện nay, không chỉ các hộ tham gia mô hình phấn khởi mà nhiều nông dân có diện tích lúa liền kề chưa tham gia mô hình cũng đang theo dõi hiệu quả để có thể áp dụng trên đồng ruộng của mình ở những vụ sau.
Nông dân ở Đồng Tháp canh tác lúa theo đề án 1 triệu hecta
Đề án đã tác động đến tư duy sản xuất của nông dân cũng như cách thức chỉ đạo sản xuất của cán bộ địa phương. Người dân đã thay đổi tư duy sản xuất phương thức canh tác truyền thống sang bền vững, hướng tới giảm phát thải, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tại các địa phương cán bộ kỹ thuật đã chủ động hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình để mang lại hiệu quả.
Rõ ràng khi tư duy được thay đổi, nông dân mạnh dạn thực hiện các tiêu chí đề ra từ việc giảm giống, giảm phân bón, thuốc trừ sâu và sử dụng rơm rạ làm nấm, làm phân bón để có thêm thu nhập. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đã liên kết sản xuất để ổn định đầu ra cho sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu gạo.
Ông Trần Văn Nhiều, Chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười chia sẻ: Khi mới triển khai người dân còn hoài nghi về tính hiệu quả của đề án, tuy nhiên qua các vụ thì đến nay người dân hào hứng, háo hức với đề án và đang mở rộng diện tích canh tác để tạo ra được cánh nguyên liệu lớn, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn.
Ở những vùng trồng lúa trọng điểm người dân đang hào hứng khi áp dụng quy trình canh tác theo đề án
Tính hiệu quả đề án đã được chứng minh, cùng với đó là sự tham gia tích cực của doanh nghiệp đã tạo tiền đề quan trọng cho sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững và ổn định, điều này đang góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới, góp phần vào mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-dong-thap-canh-tac-lua-theo-quy-trinh-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-post1197717.vov