Chủ động chống rét cho mạ tại các vùng sản xuất đặc thù
Những ngày qua, nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tranh thủ bắc mạ với các giống lúa như Xi20, NX30, XT28,… phục vụ cấy lúa tại các vùng đặc thù sâu trũng, chua phèn, vùng chờ nước trời, không chủ động thủy lợi.
Chị Phan Thị Xuân (thôn Đông Sơn, Mai Phụ, huyện Lộc Hà) vừa hoàn thành xuống giống bắc mạ lúa xuân 2025 được 3 ngày, cho biết: “Khoảng 4 sào lúa của gia đình nằm trong khu vực vùng trũng thấp nên chúng tôi phải gieo mạ để cấy mới đảm bảo sự phát triển của lúa. Bắc mạ đúng đợt nhiệt độ xuống thấp nên tôi đã dùng ni-lông che phủ theo đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Việc phủ ni lông không những chống rét được cho mạ mà còn chống chuột, bọ rất hiệu quả”.
Nông dân Lộc Hà bắc mạ với các giống Xi20, NX30, XT28,... cho các vùng sản xuất đặc thù.
Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, vụ xuân 2025, địa phương dự kiến gieo cấy hơn 3.370 ha, chủ yếu cơ cấu sản xuất các giống lúa trà xuân muộn ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao (trên 90% diện tích). Một số diện tích cơ cấu hợp lý các giống lúa Xi23, NX30, XT28... ở các vùng sâu trũng, chua phèn, khó khăn về thủy lợi như: Thạch Mỹ, Phù Lưu, Thạch Châu… Đến thời điểm này, các địa phương đã bắc mạ gần 7 ha (tương đương 70 ha lúa cấy).
Do địa hình cao cạn, không chủ động về nước nên nhiều bà con tại xã Đan Trường (Nghi Xuân) cũng đã chủ động xuống giống các loại XT28, N33 từ mấy ngày hôm nay. Để hạn chế ảnh hưởng khi nền nhiệt độ xuống thấp, địa phương đã khuyến cáo bà con ra đồng dùng ni-lông để che chắn cho diện tích mạ đã bắc.
Các giống NX30, Xi23, XT28, IR1820… được bắc mạ chủ yếu nằm ở các vùng sản xuất đặc thù.
Được biết, trên địa bàn tỉnh, các giống như: NX30, Xi23, XT28, IR1820,P6… được bắc mạ chủ yếu nằm rải rác ở các vùng sản xuất đặc thù của huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Đức Thọ, TX Kỳ Anh,... Mặc dù không phải là nhóm giống chủ lực, song đến thời điểm này, các loại giống này vẫn phù hợp để cơ cấu vào những vùng đặc thù có địa hình sâu trũng, vùng chờ nước trời, không chủ động thủy lợi. Thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, với các diện tích đã xuống giống, nông dân các địa phương đã chủ động biện pháp nhằm chống rét cho cây mạ như che phủ ni lông, duy trì độ ẩm, bổ sung tro bếp…
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Hà Tĩnh tiếp tục đón nhiều đợt không khí lạnh tăng cường với nhiệt độ thấp nhất khả năng xuống mức 13-16 độ C. Vì vậy, bà con nông dân cần tuyệt đối tuân thủ đúng kỹ thuật ngâm ủ giống, 100% diện tích bắc mạ phải che phủ ni lông. Trong thời gian che ni lông cho mạ, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng dần > 15 độ C và có nắng vào buổi trưa, cần mở hai đầu ni-lông vào ban ngày để thoát hơi nước, giúp cây quang hợp tốt hơn; ban đêm tiếp tục đậy lại. Ngoài ra, cần bổ sung cho mạ một lượng phân chuồng mục, tro bếp hoặc lượng nhỏ kali, lân để giúp cây ấm chân và cứng cáp, chống rét tốt hơn. Đồng thời, ruộng mạ cũng cần cho nước xung quanh ở mức 2 cm để giữ ấm.
Tích cực làm thủy lợi nội đồng
Là địa phương có diện tích lúa vụ xuân lớn nhất Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên đang tập trung hoàn thành công tác bàn giao ruộng thực địa sau chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng, sẵn sàng cho vụ sản xuất mới.
Huyện Cẩm Xuyên đẩy nhanh tiến độ làm giao thông thủy lợi nội đồng.
Thời điểm này, tại khu vực đập Hoàng Vân (xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên), các ca máy thay nhau được huy động để hoàn thành nạo vét khối lượng lớn đất trong đập nhằm chủ động về nước tưới vụ xuân cho hơn 60 ha diện tích lúa của 2 thôn Trung Tiến, Trung Đông. Đồng thời, xã cũng tập trung hoàn thành đợt cuối nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng, phấn đấu đến trước tháng 1/2024 sẽ hoàn thành xây dựng 6 cống dẫn nước, nạo vét khoảng 20km kênh mương nội đồng.
Tại các xã trọng điểm sản xuất lúa như: Nam Phúc Thăng, Cẩm Hưng, Cẩm Quang,… đã đồng loạt triển khai làm thủy lợi nội đồng; chú trọng đến đào đắp, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh để chuẩn bị lấy nước, đảm bảo vụ sản xuất thuận lợi.
Nạo vét đập Hoàng Vân (xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) để đảm bảo nước tưới vụ xuân cho trên 60 ha lúa của xã.
Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Toàn huyện phấn đấu hoàn thành công tác thủy lợi nội đồng trước tháng 1/2024. Về bộ giống, những giống đại trà sản xuất nhiều năm, ổn định về năng suất như: N98, Khang Dân, Xuân Mai 12, VNR20,… sẽ tiếp tục được sử dụng. Theo khung thời vụ, toàn huyện sẽ bắt đầu gieo cấy lúa xuân từ ngày 10/1 và kết thúc trước ngày 5/2/2025”.
Bà con nông dân các địa phương trong tỉnh cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện để xuống giống trà lúa chính của vụ xuân 2025 như dọn dẹp cỏ bờ, vệ sinh đồng ruộng, tranh thủ mua giống, vật tư phân bón… cho thời vụ xuống giống lớn nhất sắp tới.
Ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra chất lượng giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Lài (thôn Yên Sơn, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) cho biết: “Vì chủ yếu gieo cấy giống Nếp 98 nên cơ bản gần 1 mẫu lúa của gia đình đã được cày ải xong. Tôi cũng ra đồng để đắp bờ, vệ sinh, kiểm tra lại hệ thống mương nước. Giống lúa mới và các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… được tôi chuẩn bị sẵn, dự kiến sẽ xuống ruộng tập trung vào ngày 10/1/2025”.
Vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 59.097 ha lúa, sản lượng phấn đấu đạt trên 35,5 vạn tấn, năng suất dự kiến đạt trên 60,14 tạ/ha. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành làm đất đợt 1, một số địa phương có tỷ lệ lớn như: Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên… Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống, toàn tỉnh tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10/1 - 5/2/2025.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, các địa phương căn cứ vào tình hình điều kiện sinh thái và chế độ canh tác của bà con nông dân để bố trí lịch gieo cấy phù hợp với khung lịch thời vụ của tỉnh. Những vùng đất tốt, thâm canh cao thì bố trí gieo cấy vào cuối lịch thời vụ; những vùng đất xấu, thâm canh thấp thì bố trí vào đầu lịch thời vụ.
Thái Oanh