Nông dân Hậu Giang từ bỏ sản xuất nhỏ, quyết làm giàu trên cánh đồng lớn

Nông dân Hậu Giang từ bỏ sản xuất nhỏ, quyết làm giàu trên cánh đồng lớn
một ngày trướcBài gốc
Hậu Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong việc triển khai mô hình cánh đồng lớn, mang lại hiệu quả vượt trội. Điển hình như mô hình cánh đồng lớn tại huyện Vị Thủy đang tổ chức sản xuất lúa quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm hộ dân.
Đưa công nghệ vào đồng ruộng
Trong nỗ lực nâng cao giá trị sản xuất trên cánh đồng lớn ở Vị Thủy, các HTX nông nghiệp tại nhiều phương đã chủ động liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân ổn định đầu ra. Nhiều HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Cụ thể, nhiều HTX đã sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí và công lao động. Ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước và tối ưu năng suất cây trồng. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu chuẩn cao.
Ứng dụng khoa học công nghệ giúp các HTX, người nông dân ở Hậu Giang thắng lớn.
Đơn cử, HTX Tân Long, ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường đang là một trong những đơn vị điển hình trong phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng hàng hóa.
Kể từ năm 2020 đến nay, từ việc tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng lúa sạch, các thành viên của HTX Tân Long đã nắm chắc kiến thức, tự tin tổ chức mô hình sản xuất lúa hữu cơ với những quy trình nghiêm ngặt.
Trong quá trình chăm sóc lúa, các thành viên HTX cũng tự tin triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, áp dụng quản lý dịch hại IPM, sử dụng hiệu quả các loại thiên địch để tiêu diệt côn trùng có hại…
Nhờ sản xuất khoa học, năng suất lúa của HTX Tân Long đạt trung bình 5,2 - 6,7 tấn/ha, giá thành bán ra cũng cao hơn khoảng 500-1.000 đồng/kg so với sản xuất thông thường, chi phí đầu tư cho 1 ha lúa cũng giảm 7-8 triệu đồng do sử dụng chất hữu cơ. Như vậy, tính bình quân, nông dân sản xuất lúa hữu cơ có lợi nhuận gấp khoảng 1,2 lần so với lúa vô cơ.
Một điều dễ thấy trong quá trình phát triển cánh đồng lớn ở Hậu Giang là vai trò đậm nét của các HTX, tổ hợp tác. Thống kê chỉ ra đang có hàng chục HTX đóng vai trò “lá cờ đầu” trong liên kết thành viên, nông dân sản xuất, ứng dụng khoa học trên cánh đồng lớn.
Những kết quả trên một phần lớn đến từ các chương trình hỗ trợ thiết thực của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang. Điển hình, trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang đã tích cực tham gia các hội chợ lớn theo chương trình của Liên minh HTX Việt Nam tại nhiều địa phương như Hà Nội, Bình Định, Quảng Ngãi, Cà Mau, Bạc Liêu, TP.HCM...
Những hoạt động này giúp quảng bá sản phẩm OCOP của Hậu Giang, tạo cơ hội cho các HTX ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, hơn 150 HTX tại Hậu Giang đã tham gia các sự kiện này, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Nâng cao hiệu quả
Đáng chú ý, nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu, phối hợp với ban ngành chức năng tỉnh hỗ trợ 33 lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng với chuyên môn phù hợp về làm việc có thời hạn tại 13 HTX và 3 Liên hiệp HTX.
Nhờ những hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, nhiều HTX tại Hậu Giang đã có những bước phát triển đáng kể, liên tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Điển hình, trên những cánh đồng lớn ở Châu Thành A, nhiều HTX, tổ hợp tác đã được hình thành, trở thành cầu nối cho người nông dân, thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, với diện tích khoảng 5.000ha trên địa bàn các xã như: Trường Long Tây, Trường Long A, Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn.
Các HTX, tổ hợp tác phát huy vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị sản xuất trên cánh đồng lớn ở Hậu Giang.
Đơn cử, tại xã Trường Long Tây có HTX Phước Trung đang là đầu tàu liên kết, hỗ trợ nông dân từ sản xuất, chuyển giao công nghệ đến tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ.
Ông Hà Minh Triều, đại diện HTX Phước Trung, chia sẻ: “Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, hiệu quả thấp nên HTX đã liên kết bà con lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác lúa, cũng như được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn”.
Chính nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật mới, HTX liên tục nâng cao diện tích, đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm, từ đó thu hút các doanh nghiệp liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm.
Hiện tại, HTX có 100ha đất lúa ở ấp Trường Thọ A và Trường Phước A được hộ liên kết canh tác theo chuẩn VietGAP, với sản lượng cung ứng mỗi năm hơn 2.000 tấn. Ngoài ra, HTX còn có hơn 300ha sản xuất lúa hàng hóa, 40ha sản xuất lúa giống và ở mỗi vụ canh tác đều có doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua một phần hoặc 100%.
Hướng tới phát triển bền vững
Ngoài cây lúa, hiện huyện Châu Thành A cũng quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái theo điều kiện canh tác của từng địa phương sẽ gắn với loại cây trồng phù hợp, đồng thời thực hiện liên kết giữa các nhà vườn cùng doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Văn Quang, thành viên nhóm liên kết xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cho hay hiện nhóm có 22 thành viên. Nhờ liên kết, việc canh tác xoài của nhà vườn nơi đây đạt hiệu quả hơn rất nhiều.
Trong mỗi vụ, từ lúc xử lý xoài ra bông đến khâu thu hoạch, nhất là trong giai đoạn xoài trước trổ bông đến bao trái đều được các nhà vườn trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình. Kết quả, thu nhập của các hộ liên tục được nâng lên, hiện đạt bình quân 70 – 250 triệu đồng/hộ/năm.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Châu Thành A đã có trên dưới 90 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác và nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân tham gia liên kết cung ứng vật tư và bao tiêu, thu mua các sản phẩm nông nghiệp của người dân trong huyện như: sản phẩm lúa, xoài cát Hòa Lộc, nhãn ido, cam sành, chanh không hạt, sầu riêng,...
Châu Thành A hay Vị Thủy chỉ là hai trong hàng loạt những điển hình trong chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất của nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang nghĩ lớn, làm lớn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang những năm qua.
Thực tế cho thấy, tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, kế cận thành phố Cần Thơ là một điều kiện thuận lợi trong giao lưu, mở rộng kinh tế, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp.
Với những thành công đang có, thời gian tới tỉnh Hậu Giang dự kiến tiếp tục tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn theo thứ tự ưu tiên thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo.
Trong đó, lấy thủy sản và trái cây làm chủ lực cùng với phát triển lúa gạo hợp lý làm nền tảng đảm bảo an ninh lương thực nội tỉnh, quốc gia trong mọi tình huống. Ngoài ra, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy (chủ yếu là sản xuất lúa) sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường và chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.
Minh Khuê
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/nong-dan-hau-giang-tu-bo-san-xuat-nho-quyet-lam-giau-tren-canh-dong-lon-1105809.html