Nâng cao thu nhập từ cây trồng mới
Nhiều năm về trước, anh Nguyễn Hữu Dương (39 tuổi), ở thôn Tân Bình, xã Sa Loong đã chuyển đổi 8ha cao su sang trồng dứa mật. Mỗi năm, vườn dứa đem lại cho gia đình lợi nhuận hơn 700 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dứa, anh Dương cho biết, gia đình có 8ha đất đồi dốc trồng cao su từ năm 2007 nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, trong lần đi thăm người thân tại tỉnh Đăk Lăk, anh thấy nhiều hộ dân trồng dứa mật trên đất đồi, cây phát triển tốt, năng suất cao. Sau đó, anh đặt vấn đề mua giống, học hỏi kinh nghiệm các nhà vườn và quyết định đem giống về để chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả.
Anh Nguyễn Hữu Dương có thu nhập cao nhờ chuyển đổi cao su sang dứa mật.
Từ ngày trồng dứa mật, anh Dương vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ cách chọn giống, kỹ thuật trồng đến chăm sóc, bảo vệ. Chỉ sau 18 tháng trồng, dứa đã bắt đầu cho thu hoạch. Những quả dứa to, căng mọng, quả nào quả nấy đều nhau, thơm ngon. Dứa khi thu hoạch nặng từ 2 - 2,5kg/quả; cá biệt, có những quả lớn đạt trọng lượng trên 3kg.
Theo anh Dương, dứa mật phù hợp với đất đồi dốc nơi đây, sau khi trồng chẳng mấy chốc bén rễ, phát triển khỏe, nhanh. Về giá trị, nếu như các giống dứa khác chỉ có giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg thì giống dứa mật giá ổn định từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Trọng lượng quả dứa mật cũng cao hơn so với giống dứa thông thường.
“Đây là năm thứ 5 vườn dứa mật của gia đình cho thu hoạch. Khoảng thời gian từ khi dứa ra hoa đến thu hoạch chỉ tầm 4 tháng. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên vườn dứa ra quả nhiều đợt trong năm chứ không ra ồ ạt, đại trà. Tính bình quân, vườn dứa thu về tầm 13 - 15 tấn dứa/ha/năm”, anh Dương chia sẻ.
Anh Nguyễn Hữu Dương đang chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa mật.
Chủ tịch UBND xã Sa Loong Xiêng Thanh Phú cho biết, với đặc điểm dễ trồng, ít sâu bệnh và phù hợp với đất đồi, dứa mật đang là cây trồng được nhiều hộ dân nơi đây lựa chọn để thay thế những cây kém hiệu quả. Thời gian qua, xã đã tổ chức các lớp đào tạo, cung cấp giống, kỹ thuật để hướng dẫn cho người dân sản xuất. Toàn xã hiện có hơn 20ha dứa mật, tập trung tại các thôn Tân Bình, Hòa Bình. Mỗi năm năng suất trung bình đạt 13 - 15 tấn/ha, cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha.
Nuôi động vật rừng hướng đi mới của chuyển đổi
Những năm gần đây, xã Sa Thầy đã quan tâm, khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, trong đó mô hình nuôi động vật rừng là hướng phát triển hiệu quả.
Chủ tịch UBND xã Sa Thầy Trịnh Đình Lâm cho hay, để phát triển mô hình, xã đã hướng dẫn các hộ về quy trình, thủ tục để được cấp phép nuôi; hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ xuất bán động vật rừng. Hiện toàn xã có trên 15 cơ sở, hộ gia đình nuôi các loài động vật rừng như: chồn hương, dúi, nhím, hươu, nai.
Nuôi dúi mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình ông Lê Xuân Khoa (trái).
Ông Lê Xuân Khoa (62 tuổi), ở thôn 2 từng đầu tư nuôi gà, vịt. Song đàn vật nuôi của gia đình thường xuyên bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh, ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế. Vì thế, ông đã tìm hướng phát triển kinh tế mới. Qua tìm hiểu và tham quan một số mô hình ở tỉnh Gia Lai, ông nhận thấy nuôi dúi có triển vọng kinh tế, mang lại thu nhập ổn định. Đầu năm 2020, ông quyết định chuyển hướng sang nuôi dúi và đầu tư hơn 70 triệu đồng để xây chuồng trại, mua 6 cặp về nuôi. Trước khi nuôi, ông làm hồ sơ xin giấy phép nuôi động vật rừng theo quy định của pháp luật.
Theo ông Khoa, ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu tập tính, chế độ dinh dưỡng cũng như cách phòng bệnh cho dúi. Cho nên dúi sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, đàn dúi của gia đình ông duy trì từ 100 - 120 con trong chuồng.
Việc tiêu thụ dúi cũng khá thuận lợi. Hiện nay có một số thương lái trong và ngoài tỉnh mua dúi thương phẩm với giá từ 400 - 500 nghìn đồng/kg, còn dúi giống sinh sản từ 2 - 2,5 triệu đồng/cặp. Trong năm 2024, ông đã xuất bán hơn 80 con dúi giống và thương phẩm, thu về hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Anh Bùi Văn Hiếu tích cực chăm sóc chồn hương đang giai đoạn sinh sản.
Tương tự, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi động vật rừng, năm 2021, anh Bùi Văn Hiếu (32 tuổi), ở thôn Sơn An đã chuyển từ nuôi heo sang nuôi chồn hương thương phẩm. Theo anh Hiếu, nuôi chồn hương cũng không quá phức tạp, bởi chỉ cần sử dụng thức ăn như: chuối, đu đủ, bí đỏ và các loại cá. Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng đã giúp chồn phát triển, sinh sản tốt. Mỗi năm, chồn mẹ sinh sản khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con.
Hiện anh Hiếu duy trì đàn chồn khoảng 50 - 60 con. Chồn thương phẩm nuôi 8 tháng đạt trọng lượng khoảng 3kg là có thể xuất bán; giá bán trên thị trường từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg. Năm ngoái, anh bán hơn 40 con chồn thương phẩm, lãi hơn 150 triệu đồng. Thời gian tới, anh tiếp tục mở rộng chuồng trại và tăng số lượng nuôi lên 80 - 100 con chồn thương phẩm.
Bài, ảnh: NAY SĂT