Nông dân Mộc Châu tích cực nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Nông dân Mộc Châu tích cực nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
2 ngày trướcBài gốc
Với đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, Mộc Châu là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp ở Sơn La. Những năm qua, Mộc Châu đang tích cực chuyển đổi nông nghiệp sang hướng bền vững bằng cách áp dụng công nghệ cao, tăng cường giá trị nông sản và gắn kết nông nghiệp với du lịch. Thị xã cũng tập trung vào sản xuất theo các tiêu chuẩn cao như VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Hợp tác xã (HTX) hữu cơ Mộc Vân Trang, phường Mộc Lỵ, thị xã Mộc Châu có hệ thống nhà lưới, nhà màng được đầu tư bài bản. Với mục tiêu liên kết để phát triển bền vững, cuối năm 2022, HTX đã vận động một số hộ dân thành lập HTX với 7 thành viên, diện tích đất sản xuất 19 ha. HTX cùng nhau bàn bạc tìm hướng đi, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, lựa chọn các loại rau màu thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường; đặc biệt chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, tạo sản phẩm sạch phục vụ khách hàng.
Nông dân phường Đông Sang, thị xã Mộc Châu trồng cà chua trong nhà lưới.
Năm 2024, HTX hữu cơ Mộc Vân Trang tập trung sản xuất trên diện tích 12 ha, trong đó, có gần 4 ha nhà màng, nhà lưới được đầu tư trị giá khoảng 8 tỷ đồng, với hệ thống tưới ẩm tự động tiên tiến, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với các loại cây trồng. Tập trung trồng các loại rau củ, như: cà chua, ớt chuông, cần tây, dâu tây, dưa chuột, su su và một số rau màu khác. Nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật, HTX thu được hơn 530 tấn rau, củ, quả các loại, thu về gần 10,6 tỷ đồng; bình quân 1 ha đất thu gần 900 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, HTX thu lãi hơn 6 tỷ đồng, bình quân của mỗi thành viên đạt gần 900 triệu đồng/năm.
Với hơn 200 ha trồng rau màu, nhiều năm nay, các HTX, hộ nông dân phường Đông Sang (thị xã Mộc Châu) đầu tư làm nhà lưới, nhà kính, mua thiết bị, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương để sản xuất rau trái vụ. Hộ chị Nguyễn Thị Hương, tổ dân phố Tự Nhiên, phường Đông Sang đã đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc rau. Nhờ đó, gia đình chị đã chủ động sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường và hạn chế được những tác động tiêu cực của thời tiết. Với 1 ha trồng cà chua và bắp cải trái vụ, so sánh về hiệu quả kinh tế, trồng rau trái vụ cho thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng chính vụ, nhờ đó, gia đình chị thu về hơn 500 triệu đồng/năm từ trồng rau trái vụ.
Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền phường Vân Sơn, thị xã Mộc Châu tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân để nhân rộng. Theo đó, các HTX, hộ dân trên địa bàn phường đã lựa chọn và xây dựng hơn 30 mô hình kinh tế với các loại cây trồng mũi nhọn, như: chè, cam, mận, bơ, rau trái vụ...
Đến nay, phường có hơn 200 ha cây ăn quả; 300 ha chè; 270 ha rau màu các loại; hơn 100 hộ dân đầu tư làm hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt hơn 70 triệu đồng.
Trước đây, gia đình ông Trần Văn Khanh (tổ dân phố 68, phường Vân Sơn) chủ yếu trồng cây lương thực nhưng hiệu quả không cao. Sau khi được thăm các mô hình trồng cam, năm 2010, gia đình ông trồng thử nghiệm 7.000 m² cây cam. Sau 3 năm, cây cam phát triển tốt, ít sâu bệnh, bắt đầu cho quả, nên các năm tiếp theo, gia đình ông mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình có hơn 5 ha cam, sản lượng hơn 100 tấn quả/năm; với giá bán trung bình hơn 30.000 đồng/kg, gia đình thu hơn 3 tỷ đồng/năm.
Theo thống kê, thị xã Mộc Châu hiện có 486 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 613 ha cây trồng; 141 cơ sở đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới với diện tích hơn 100 ha; có 29 mã số vùng trồng được cấp mã số; 35 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 1.125 ha, tập trung chủ yếu trên các loại sản phẩm rau, chè và cây ăn quả.
Thị xã Mộc Châu được UBND tỉnh công nhận 2 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và Vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.
Đối với phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, Mộc Châu có 9 vùng nông nghiệp hữu cơ được công nhận với diện tích hơn 380 ha. Trong đó, có 4 cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho các sản phẩm quả mận, bơ và rau, quả, ngũ cốc với diện tích gần 5,2 ha. Có 1.559 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất hơn 2.175 ha và có 3 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ huyện Mộc Châu (nay là Đảng bộ thị xã Mộc Châu) đã xây dựng Đề án số 01-ĐA/HU ngày 15/3/2021 về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025.
Hiện thực hóa mục tiêu của đề án, cấp ủy, chính quyền thị xã Mộc Châu đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai, thường xuyên, quyết liệt trong công tác chỉ đạo và kiểm tra các cơ quan, đơn vị, xã, phường, các doanh nghiệp, HTX trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao và sản xuất hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Hiền Lương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nong-dan-moc-chau-tich-cuc-nang-cao-gia-tri-san-pham-nong-nghiep.716698.html