Theo UBND huyện Cờ Đỏ, hiện nay diện tích trồng cây ăn trái của địa phương khoảng 5.000 hecta, nhiều cây ăn trái đặc sản như nhãn, xoài, mãng cầu xiêm, sầu riêng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn để vào thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, EU và Trung Quốc.
Nông dân Lê Văn Suốt, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết, hiện nay HTX Thái Thanh có 24 thành viên, với diện tích trồng nhãn khoảng 127 hecta, sản lượng hàng năm trên 1.500 tấn, gần một nửa sản lượng nhãn của HTX đã xuất khẩu vào các thị trường, doanh thu hàng năm khoảng 40 tỷ. Hiện nay, nhãn của HTX đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ và Australia, tỷ lệ nhãn xuất khẩu vào các thị trường chiếm khoảng 50% sản lượng hàng năm của HTX.
Mô hình trồng nhãn chất lượng cao, áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP
Theo ông Lê Văn Suốt, hiệu quả kinh tế giữa trồng nhãn với lúa thì cao hơn rất nhiều. Cụ thể, mỗi hecta trồng nhãn người dân có thể thu 300 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 8 đến 10 lần trồng lúa. Hiện nay, HTX đang tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao thương hiệu, cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, tăng lợi nhuận cho các thành viên trong HTX.
"Sản xuất trong thời buổi này phải theo hướng hữu cơ, theo hướng VietGap, GlobalGap. Nếu như sản xuất bình thường thì khó cạnh tranh, khó bán xuất khẩu. Do đó, nếu mà không xuất khẩu thì giá trị sản phẩm không cao, và khó tiêu thụ. Vì thế các HTX làm sản phẩm hữu cơ cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền để hướng dẫn và công nhận", ông Suốt nói..
Để các sản phẩm nông sản vào được các thị trường, thời gian qua Cần Thơ đã cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ và Australia. Cùng với đó là định hướng, khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định và yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Nông dân ở Cần Thơ thu tiền tỷ từ trồng nhãn xuất khẩu
Ông Võ Trung Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay diện tích cây ăn trái của xã hơn 3.800 hecta, tập trung vào nhãn, xoài, sầu riêng, khóm và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, diện tích trồng nhãn hơn Ido hơn 455 hecta, với sản lượng hơn 6.200 tấn. Thu nhập của người dân trồng nhãn hiện nay đang cao hơn so với trồng lúa từ 8 – 10 lần.
Chủ tịch UBND xã Thới Hưng Võ Trung Cảnh cho biết, hiện nay địa phương đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn để triển khai các giải pháp phát triển cây ăn trái, như: xây dựng các thủ tục và hồ sơ pháp lý để xuất khẩu các sản phẩm như nhãn, thanh nhãn, xoài tượng da xanh. Cùng với đó nhân rộng mô hình trồng nhãn chất lượng cao, áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, để nâng cao chất lượng và cạnh tranh trên thị trường.
Trong thời gian tới, xã Thới Hưng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn để chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học. Cùng với đó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến, sấy khô các sản phẩm nông sản, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm chế biến, thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô như hiện nay.
"Xã cũng kêu gọi các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, trên địa bàn xã Thới Hưng mới chỉ có một công ty Tam Ngọc có nhiều lò sấy, sấy xoài, xoài keo, khóm. Từ đó, chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con là chuyển đổi những cây ăn quả này để Công ty Tam Ngọc bao tiêu sản phẩm và xuất khẩu ra thị trường thế giới trong thời gian tới", ông Cảnh cho biết.
Hiện nay, Cần Thơ đã cấp được 223 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 3.000 hecta. Cùng với đó, tăng cường liên kết, phát triển vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung gắn với các HTX, tổ hợp tác để đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL