Nông dân ở Sóc Trăng khá lên từ mở đường, khơi kênh canh tác rau màu

Nông dân ở Sóc Trăng khá lên từ mở đường, khơi kênh canh tác rau màu
10 giờ trướcBài gốc
Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư hạ tầng ở vùng nông thôn, nhất là lĩnh vực giao thông và thủy lợi đã giúp cho việc sản xuất của bà con ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày càng thuận lợi. Bên cạnh đó là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, đặc biệt là cây màu không ngừng giúp bà con mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống từ đó cũng khấm khá lên.
Về ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên men theo huyện lộ 57, hai bên đường là cánh đồng lúa rộng lớn màu xanh đang ở giai đoạn làm đòng, trổ bông. Tại đây, cứ vài trăm mét lại thấy 1 kênh thủy lợi nội đồng rộng chừng 10 mét đầy nước ngọt, cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Hai bên bờ là những rẫy màu đủ loại rau củ quả, cùng hình ảnh của những người dân nông đang tất bật công việc đồng áng.
Bà con ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên có thu nhập ổn định từ việc trồng màu
Ông Sơn Uôi, ở ấp Rạch Sên cho biết, hơn 10 năm trước việc làm nông nghiệp ở địa bàn này gặp rất nhiều khó khăn, bởi hạ tầng chưa hoàn chỉnh, nhưng vài năm trở lại đây sự vất vả ấy đã không còn. Chỉ tay về những con kênh thủy lợi nội đồng ông Uôi chia sẻ, kênh thủy lợi bây giờ nạo vét khá rộng và đầy nước ngọt, đảm phục vụ tưới tiêu cả trong mùa khô. Đường giao thông được xây dựng đến tận rẫy, bà con có điều kiện buôn bán khá thuận lợi, không còn phải lo việc vận chuyển nông sản tiêu thụ.
“Hơn 10 năm trước, việc trồng hoa màu của bà con trên địa bàn vô cùng khó khăn, nhất là trong công tác tưới tiêu bởi không có hệ thống kênh rạch, bà con phải tự đào ao trữ nước tưới. Từ khi nhà nước nạo vét, đào mới kênh mương, bà con đã mua máy về bơm tưới, mua vỏ lãi để đi rẫy, nhiều hộ còn gắn hệ thống tưới nước tiết kiệm, nước tưới tự phun…”, ông Sơn Uôi kể.
Đang thu hoạch ớt trên diện tích 2,5 công, bà Thạch Thị Lay, ở ấp Rạch Sên cho biết, ở đây nông dân ngoài trồng lúa nhiều hộ còn dành ít đất để trồng màu, riêng gia đình bà cũng trồng 3,5 công gồm ớt, cây hẹ và hành lá. Hiện cây ớt đã cho thu hoạch với 4 ngày bẻ trái 1 lần, sản lượng đạt gần 100kg. Với giá bán trên 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi 15.000 đồng/kg.
Bà Sơn Thị Lay đang thu hoạch ớt của gia đình
Bước vào thu hoạch rộ vụ canh tác này, dự kiến bà Lay sẽ thu từ 200-300kg trái ớt và thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến tận tết Nguyên đán 2025. Bà Lay vui mừng cho biết, nhờ trồng rẫy, gia đình bà đã có thu nhập thường xuyên, đời sống từ đó đã ổn định dần lên. “Trước đây mình phải tự gánh ớt đi bán, giờ có đường sá thông thoáng các mối tự tìm đến thu mua tại chỗ rất thuận lợi”, bà Lay cho hay.
Ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên là địa phương có phong trào trồng cây hoa màu rất mạnh và được duy trì từ khá lâu nay. Mỗi gia đình ở đây đều dành diện tích đất nhất định để trồng màu, bởi hiệu quả kinh tế cao từ mô hình mang lại. Toàn ấp hiện có khoảng 40 ha diện tích đất được người dân sử dụng cho trồng màu.
Ông Đinh Văn Diễm, Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú cho biết, với sự quan tâm đầu tư về hạ tầng phục vụ sản xuất của chính quyền địa phương, cùng với việc bà con mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống cây màu mới vào trồng trọt, hiệu quả kinh tế từ cây hoa màu không ngừng nâng lên. Ông Diễm nhẩm tính, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, mỗi công màu có thể cho thu nhập 40 triệu đồng/năm.
“Hệ thống tưới tiêu cho cây trồng trên địa bàn đang dần chuyển biến theo hướng hiện đại nên bà con rất nhẹ công, nhẹ chi phí. Giống cây trồng như cây ớt cũng bà con chọn là loại thích ứng biến đổi khí hậu, cho năng suất cao, thời gian thu hoạch kéo dài hơn trước đây nên thu nhập ổn định hơn, đời sống bà con khấm khá hơn trước đây”, ông Diễm chia sẻ thêm.
Đồng bào Khmer ấp Rạch Sên chăm sóc cây màu
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Thạnh Phú nói chung và ấp Rạch Sên nói riêng đang lan tỏa mạnh mẽ, nhà nhà đều nỗ lực trồng trọt, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập, vươn lên cải thiện đời sống. Trên các bờ kênh thủy lợi nội đồng, quanh năm nông dân ở đây tất bật với ruộng rẫy, ứng dụng các công nghệ tưới tiêu tiết kiệm, tưới tự động… qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm công chăm sóc và tăng lợi nhuận sản xuất.
Ông Lê Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên cho biết, mỗi năm Thạnh Phú trồng gần 1.200ha rau màu, trong đó tập trung ở các mô hình trồng màu trên bờ kênh và trồng dưới chân ruộng vào mùa khô. Việc quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn hoàn chỉnh đã giúp phát huy thế mạnh trồng màu tại địa phương. “Hiện các trục đường từ tỉnh đến huyện, lộ nông thôn xã đã được nối liền. Thủy lợi được nạo vét giúp bà con thuận lợi tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa,… đó chính là những động lực thúc đẩy sản xuất rau màu”, ông Quang tự tin cho biết.
Thời điểm này, nông dân trồng màu ở ấp Rạch Sên đang tất bật chăm sóc cây màu đón tết Nguyên đán Ất Tỵ. Với sự thuận lợi trong sản xuất, bà con đang kỳ vọng có vụ mùa thắng lợi, đời sống từ đó càng thêm ấm no.
Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-o-soc-trang-kha-len-tu-mo-duong-khoi-kenh-canh-tac-rau-mau-post1147456.vov