'Nóng hầm hập' cuộc đua mở rộng quỹ đất của đại gia địa ốc

'Nóng hầm hập' cuộc đua mở rộng quỹ đất của đại gia địa ốc
6 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, T&T Group của ông “bầu” Đỗ Quang Hiển liên tục có động thái mở rộng quỹ đất thông qua hoạt động nghiên cứu đầu tư tại nhiều tỉnh như Hòa Bình, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, An Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đồng Tháp...
Cuộc đua tiếp tục nóng
Mới nhất, Tập đoàn T&T hợp tác cùng đơn vị tư vấn Singapore cũng đã đưa ra đề xuất táo bạo về tổ hợp đô thị sân bay, công nghiệp hàng không và logistics tại Quảng Trị với quy mô lên tới 3.400 ha.
Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch và tạo động lực phát triển mới cho khu vực. Theo phương án được đề xuất, tổ hợp sẽ bao gồm nhiều phân khu chức năng quan trọng như khu công nghiệp, cảng biển, khu đô thị du lịch sinh thái và khu nông nghiệp công nghệ cao.
Không nằm ngoài cuộc đua, Tân Hoàng Minh đang đề xuất ý tưởng xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bàu Sen rộng 1.655ha tại Quảng Bình, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 15.000 tỷ đồng.
Tương tự, công ty con của Ecopark cũng vừa ghi dấu ấn với việc trúng đấu giá khu đất vàng gần 43.000m2 tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Với quy hoạch xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và nhà ở, dự án đang thu hút nhiều sự chú ý.
Cuộc đua gom đất của các đại gia bất động sản tiếp tục nóng.
Thực tế, những ai quan tâm đến lĩnh vực bất động sản đều biết rằng đặc thù của doanh nghiệp trong ngành này là có quỹ đất lớn sẽ đồng nghĩa với lợi thế phát triển. Vì vậy, không chỉ những cái tên đã kể ở trên, loạt đại gia đầu ngành cũng đang gia nhập đường đua rót tiền gom đất, mua dự án.
Điển hình như DIC Holdings, Khang Điền, Hà Đô, Vinhomes, Phú Mỹ Hưng, Masterise Group, Nam Long, Đất Xanh... với loạt dự án khắp cả nước nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn tới.
Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, cho biết doanh nghiệp hiện có quỹ đất sạch lên đến 685 ha, có thể phát triển sản phẩm trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, Nam Long vẫn tích cực thu mua thêm đất nông nghiệp thông qua tìm kiếm mua trực tiếp và M&A các dự án sạch. Ngoài thị trường chủ lực là TP.HCM và các tỉnh lân cận, Nam Long còn mở rộng quỹ đất phía Bắc, cụ thể lên kế hoạch tìm kiếm quỹ đất tại Hải Phòng trong năm 2024.
Tương tự, Tập đoàn An Gia cũng cho biết đang không ngừng tìm kiếm các cơ hội M&A dự án, mở rộng quỹ đất sạch. Danh Khôi Group mới đây cũng công bố kế hoạch huy động vốn để mua dự án trong ngắn hạn. Điển hình như mua lại một phần của dự án Khu dân cư Đại Nam (Bình Phước) của đại gia Huỳnh Uy Dũng, hay mua lại một dự án tại Hàm Thắng - Hàm Liêm (Bình Thuận).
Cơ hội đan xen thách thức
Theo đánh giá của giới chuyên gia, từ cuối năm 2024 đến năm 2025, khi 3 bộ luật sửa đổi gồm Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản bắt đầu thẩm thấu sẽ đẩy làn sóng M&A tăng mạnh.
Luật mới quy định bảng giá đất mới được áp dụng sát với thị trường dự báo sẽ khiến chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sau này tăng lên. Những doanh nghiệp địa ốc gom được quỹ đất lớn và đã tính xong tiền sử dụng đất ở thời điểm này sẽ nắm rất nhiều lợi thế trong cả ngắn và dài hạn.
"Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 là một bước ngoặt lớn, mở ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung", ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM nhìn nhận.
Bên cạnh những yếu tố về chính sách, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chung cũng đang là động lực để các đại gia trong ngành địa ốc đẩy mạnh “săn” quỹ đất.
Năm 2025, doanh thu của doanh nghiệp địa ốc dự kiến tăng 25-50%, chủ yếu dẫn dắt bởi các chủ đầu tư lớn, theo VIS Rating. Trong đó, đóng góp chính đến từ các dự án cao cấp với biên lợi nhuận cao, phát triển bởi các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Đất Xanh, Nam Long, Masterise, Gamuda Land, Capitalland... với kế hoạch mở bán tăng mạnh tại nhiều thành phố lớn.
Có thể thấy, cuộc đua gom đất của các đại gia địa ốc vẫn đang ngày càng tăng nhiệt, và theo lẽ thường, mạnh vì gạo bạo vì đất. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cơ hội luôn đi cùng thách thức.
Trước hết, cuộc đua càng khốc liệt, càng đòi hỏi các doanh nghiệp phải tỉnh táo, có chiến lược thông minh và tiềm lực tài chính vững mạnh để giành được những vị trí đắc địa. Chưa kể, thị trường vẫn còn tồn tại một số vướng mắc pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục hành chính, khiến quá trình mở rộng quỹ đất gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian triển khai dự án.
Đặc biệt, yếu tố giá đất tăng cao đang gây áp lực lớn lên chi phí đầu tư của các doanh nghiệp, buộc các chủ đầu tư phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho dự án.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nhận định trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án. Theo đó, pháp lý, tính thanh khoản, tiền sử dụng đất… là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng ghi nhận dấu hiệu các doanh nghiệp bất động sản có những chiến lược phát triển quỹ đất để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, cảnh báo doanh nghiệp cần nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để làm sao các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, có thể đưa vào khai thác sớm trong các năm tới.
Hưng Nguyên
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//toan-canh/nong-ham-hap-cuoc-dua-mo-rong-quy-dat-cua-dai-gia-dia-oc-1104727.html