Từ những cánh đồng lúa hữu cơ đến những trang trại sinh thái hiện đại, nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất ở các địa phương trong tỉnh đang chứng minh rằng, nông nghiệp 4.0 không phải là khái niệm xa vời mà là con đường tất yếu để nâng cao giá trị, làm giàu bền vững.
Hữu cơ, công nghệ và khát vọng xanh
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (huyện Xuân Lộc), là một trong những gương mặt tiêu biểu trong làn sóng đổi mới nông nghiệp theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao và truyền cảm hứng ở Đồng Nai.
Từng khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, năm 2014, ông quyết định thành lập HTX nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng mô hình liên kết bền vững cho người nông dân.
Nông nghiệp công nghệ cao là điểm tựa giúp HTX, nông dân ở Đồng Nai làm giàu.
Hiện nay, HTX Xuân Tiến đã phát triển với hơn 150 ha diện tích canh tác, hàng trăm thành viên và hộ liên kết. 100% diện tích canh tác của HTX được triển khai giống lúa năng suất cao, nổi bật là giống ST24 – thương hiệu đã được thế giới biết đến.
Yếu tố tạo nên sự bứt phá của HTX Xuân Tiến không chỉ là giống tốt mà chính là việc mạnh dạn đầu tư công nghệ. Ông Quang và các thành viên HTX đã áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa – từ máy gieo hạt, máy thu hoạch đến máy sấy lúa và xay xát gạo – giúp giảm đáng kể chi phí nhân công và tổn thất sau thu hoạch.
Nhờ quy trình sản xuất khoa học, mỗi ha đất canh tác của HTX mang lại doanh thu từ 200-300 triệu đồng/năm – mức thu nhập từng được cho là “không tưởng” với người trồng lúa.
Tương tự, tại huyện Vĩnh Cửu, HTX Tâm Minh Quang là một trong những lá cờ đầu về nông nghiệp hữu cơ gắn với ứng dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Dũng – giám đốc HTX, từng là chủ doanh nghiệp công nghiệp, đã “rẽ ngang” sang nông nghiệp vì đam mê thực dưỡng và mong muốn góp phần cải thiện chất lượng thực phẩm.
Trên diện tích 35ha, trang trại TamECO của HTX được quy hoạch bài bản, phủ xanh bằng các loại rau, cây ăn trái như bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ… Tất cả đều sản xuất theo chuẩn hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại.
Tuy nhiên, điểm khác biệt làm nên thương hiệu TamECO chính là sự đầu tư bài bản cho công nghệ: HTX xây dựng trại nuôi ruồi lính đen để sản xuất phân hữu cơ sinh học, đầu tư hệ thống kho lạnh, máy sấy, máy nghiền và dây chuyền chế biến sâu. Nhờ đó, HTX đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm giá trị gia tăng như bánh chuối, kẹo chuối, trà gạo tím, bánh bao chay… Đây là những sản phẩm không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có tiềm năng xuất khẩu.
Cánh đồng thông minh, mô hình bền vững
Không chỉ riêng lúa hay trái cây, làn sóng công nghệ cao cũng lan rộng ở các vùng trồng chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom. Tại HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình, khoảng 120ha chuối được trồng theo mô hình khép kín, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, bao buồng 100% diện tích và liên kết tiêu thụ ổn định với các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Chuỗi giá trị được mở rộng từ sản xuất đến sơ chế, chế biến với hệ thống dây chuyền hiện đại, nhà kho, máy móc chế biến nông sản khô và dẻo. Đặc biệt, chất thải từ quá trình sản xuất được xử lý và tái sử dụng làm phân hữu cơ – một bước tiến lớn trong hướng tới nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp công nghệ cao đang lan tỏa rộng khắp các địa phương tỉnh Đồng Nai, với những dấu ấn đậm nét của các HTX.
Hay như tại TP. Long Khánh, mô hình làng du lịch sinh thái ở xã Bình Lộc cũng đang được triển khai với các giải pháp công nghệ như gắn mã QR cho cây chôm chôm mang chỉ dẫn địa lý, nhằm phát triển du lịch nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong hành trình chuyển đổi số và hiện đại hóa nông nghiệp tại Đồng Nai, không thể không kể đến vai trò của Liên minh HTX Việt Nam. Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai là tổ chức giữ vai trò “bà đỡ” trong việc tư vấn mô hình, hỗ trợ vốn, đào tạo kỹ thuật, ứng dụng công nghệ và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.
Ở góc nhìn của đơn vị thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ông Trần Quang cho biết, thông qua các chương trình của Liên minh HTX Việt Nam, HTX Xuân Tiến được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, được tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ và chuyển đổi số trong quản lý sản xuất. “Nếu không có sự hỗ trợ từ Liên minh, chắc chắn chúng tôi không thể phát triển nhanh và bền vững như hôm nay”, ông Quang chia sẻ.
Liên minh HTX Việt Nam cũng đang thúc đẩy chương trình phát triển vùng nguyên liệu tập trung, hỗ trợ HTX gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Nhiều mô hình điểm tại Đồng Nai được lựa chọn để nhân rộng, trong đó có HTX Tâm Minh Quang và HTX Thanh Bình – hai HTX đang từng bước chuẩn hóa quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế.
Định hướng tương lai
Trong thời gian tới, Đồng Nai xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chiến lược nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng.
Trọng tâm là mở rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực như lúa chất lượng cao, rau màu, chuối, bưởi, chôm chôm, chăn nuôi bò sữa, lợn, gà… gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và phát triển theo chuỗi liên kết bền vững.
Đồng Nai cũng hướng đến mục tiêu đến năm 2030 sẽ có ít nhất 60% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tối thiểu 100 mô hình HTX kiểu mới có áp dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và quản lý sản xuất thông minh.
Dù vậy, ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật từ thị trường xuất khẩu, khó khăn trong tiếp cận vốn và chuyển giao công nghệ…
Để giải bài toán này, tỉnh đang tập trung hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về nông nghiệp công nghệ cao.
Song song, các chính sách hỗ trợ của Trung ương và đặc biệt là từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt, tạo điều kiện để các HTX ở Đồng Nai mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp hiện đại.
An Chi